Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ khởi động những cuộc hội đàm với Trung Quốc về việc soạn thảo tài liệu có tính ràng buộc về các hoạt động ở Biển Đông vào tháng 1 tới, một quan chức chính phủ Philippines hôm 28/11 cho biết.
>> Biển Đông và chuyện trong phòng họp lãnh đạo Đông Á
>> Biển Đông trên bàn nghị sự thượng đỉnh ASEAN -TQ
Ảnh: Wordpress |
“Một cuộc gặp giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ diễn ra tháng 1, để xác định những yếu tố chính trong dự thảo Quy tắc ứng xử (COC)", Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Erlinda F. Basilio nói với Chủ tịch Ủy ban đối ngoại - thượng nghị sĩ Loren B. Legarda trong buổi điều trần đặc biệt. “Cuộc gặp dự kiến sẽ diễn ra vào tuần đầu tiên hoặc tuần thứ hai của tháng 1", bà nhấn mạnh.
Bà Basilio đề cập tới dự thảo tài liệu quy định các hoạt động ở những khu vực tranh chấp mà ASEAN cam kết sẽ đưa ra vào tháng 7/2012. COC sẽ đóng vai trò như các hướng dẫn thực thi một tuyên bố được ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002 về các hoạt động trên Biển Đông.
Thứ trưởng Basilio nhấn mạnh rằng, Philippines sẽ tiếp tục kêu gọi cách tiếp cận đa phương để giải quyết các tranh chấp. "Mặc dù Trung Quốc muốn giải quyết song phương, nhưng các nước tuyên bố chủ quyền thuộc ASEAN lại muốn theo đuổi con đường đa phương", bà nói.
Trước đó, các quan chức Trung Quốc đã từ chối đàm phán đa phương. Họ tuyên bố chỉ nhất trí đàm phán song phương với 4 nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở vùng biển giàu tài nguyên này. Trong khi đó, các nước này và Mỹ cũng như Nhật Bản lại mong muốn giải pháp đa phương giải quyết tranh chấp.
"Tiếp cận đa phương là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề, bảo vệ chủ quyền của chúng tôi (các nước ASEAN)", bà Basilio đồng thời cho biết, các quan chức chính phủ Philippines "hy vọng sẽ huy động được sự ủng hộ của những nước ASEAN khác" đằng sau cách tiếp cận này.
“Chúng tôi cần tận dụng ASEAN, đặc biệt khi chúng tôi sẽ trở thành một cộng đồng vào 2015... Khi ấy, ASEAN sẽ đi đầu trong việc giải quyết tranh chấp", bà nói.
Cuộc điều trần do thượng nghị sĩ Legarda chủ trì để thông báo với Ủy ban đối ngoại Thượng viện về các cuộc thảo luận và kết quả hội nghị thượng đỉnh ASEAN 19 cũng như cuộc gặp của các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đều diễn ra đầu tháng này. Các vấn đề khác được đưa ra gồm biến đổi khí hậu, đối phó với thảm họa, an ninh năng lượng và lương thực...
Thái An (theo bworldonline)