TVN: Dư luận kỳ vọng Diễn đàn Asean - Mỹ ngày 10/5 vừa qua đề cập đến hiện trạng mấp mé xung đột ở Biển Đông và đón đợi quan hệ Asean - Mỹ hướng tới "đối tác chiến lược"...

Tình hình Biển Đông dường như đang nóng lên từng ngày, từng ngày xung quanh những tuyên bố hiếu chiến  của "Hoàn cầu thời báo", phiên bản tiếng Anh của "Nhân dân Nhật báo", Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, dọa sẽ tấn công Philippines, một thành viên năng động của Asean.

Vừa "tràn ngập" tầu vừa "la" làng

Ngày 10/5, tờ "Trung Quốc Nhật báo" đưa tin, các cơ quan chức năng TQ cho biết, tới năm 2013, các hạm đội hải giám của TQ sẽ triển khai thêm 36 tầu tuần tra. Trong 36 tầu này sẽ có 7 tầu với trọng tải 1.500 tấn, và các tầu còn lại có trọng tải 600 tấn. Các tầu này sẽ được phân bổ về 14 tỉnh, khu tự trị và thành phố duyên hải. Việc xây dựng 14 tầu trong tải 600 tấn đã được bắt đầu vào ngày 8/5 tại Wehai.

Cũng vào thời điểm này, báo chí chính thức của TQ loan tin giàn khoan khủng "CNOOC 981" với 6 nội dung kỹ thuật hiện đại được áp dụng lần đầu tiên trên thế giới, đã được đưa vào hoạt động tại Biển Đông. Người phát ngôn BNG Việt Nam đã kêu gọi các nước phải tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 (UNLOS), phù hợp với DOC, không được xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, và quyền tài phán của các quốc gia khác.

Ngày 6/5, hãng tin CAN (Đài Loan) cho biết, Trung Quốc đã điều tàu công xưởng và một đội tàu hỗ trợ đến Biển Đông, nhập vào đoàn tàu đánh cá hiện có của TQ tại đây. Tàu Hải Nam Bảo Sa 001, một tàu chế biến hải sản khổng lồ 32.000 tấn, và một chiếc tàu chở dầu 20.000 tấn, hai tàu vận tải 10.000 tấn và ba tàu hỗ trợ có trọng tải từ 3.000 đến 5.000 tấn đến để tăng cường cho đội tàu đánh cá hiện có từ 300 đến 500 chiếc của TQ đang hoạt động tại vùng biển tranh chấp.

Hải Nam Bảo Sa là tàu công xưởng chế biến hải sản lớn nhất của TQ, loại tàu này hiện nay trên thế giới chỉ có bốn chiếc. Trên tàu có bốn nhà máy chế biến, 14 dây chuyền sản xuất và khoảng 600 công nhân. Tàu mẹ và các tàu hỗ trợ sẽ cung ứng các phương tiện cần thiết để chế biến đến 2.100 tấn hải sản mỗi ngày. Hiện nay, đoàn tàu đánh cá của TQ không thể ở lâu trong khu vực vì thiếu phương tiện chế biến. Đội tàu bổ sung này sẽ giúpTQ có thể đánh bắt tại Biển Đông suốt 9 tháng.

Trước đó, "Hoàn cầu thời báo" ngày 21/4 nêu rõ: "Trung Quốc không chỉ bảo vệ đảo Hoàng Nham (cách Bắc Kinh gọi đảo Scarborough của Philippines), mà còn phải đối phó với thế lực bên ngoài muốn ngăn chặn sự trỗi dậy của chúng ta". Bài viết còn lên giọng: "TQ cần sẵn sàng ứng chiến một cuộc xung đột quy mô nhỏ trên biển với Philippines. TQ phải hành động cương quyết và đưa ra thông điệp rõ rằng Bắc Kinh dù không muốn nhưng chẳng sợ tiếng súng".

Cùng ngày 21/4, "PLA Daily", báo của Quân giải phóng nhân dân TQ, đăng xã luận cảnh báo Mỹ về cuộc tập trận chung với Philippines đang diễn ra. Bài viết cho rằng đợt tập trận mang tên Balikatan "đã thổi bùng nguy cơ xung đột vũ trang trong tranh chấp biển Đông". Trong xã luận ngày 10/5, tờ "China Daily" còn viết: "Mặc dù chúng ta quyết tâm thảo luận vấn đề, nhưng các nhà lãnh đạo PLP vẫn đẩy chúng ta vào một tình thế mà chỉ còn cách duy nhất là sử dụng vũ khí".

Ảnh minh họa

Thái độ như thế nào là rõ ràng?

Ngày 10/5 vừa qua, một tọa đàm về quan hệ Asean - Mỹ do Đại Sứ quán Việt Nam tại Mỹ phối hợp với Diễn đàn Bàn tròn Đông Nam Á (do Quỹ châu Á bảo trợ) đã được tổ chức ở Washington. Phát biểu tại đây, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ (PTL) Nirav Patel phụ trách về chiến lược và các vấn đề đa phương, diễn giả chính của cuộc tọa đàm đã thuyết trình về chính sách đối ngoại của chính quyền Obama đối với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nói chung và với Asean nói riêng.

Phó Trợ lý Nirav khẳng định, Mỹ đã và đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác toàn diện với các nước trong khu vực CÁ-TBD, không chỉ về chính trị, an ninh mà còn cả về kinh tế, thương mại và đầu tư. Cam kết của ông PTL phần nào được kiểm chứng. Sau một thời gián đoạn, hiện nay Mỹ tham gia đều đặn Hội nghị sau Bộ trưởng (PMC), Diễn đàn khu vực (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Asean (ADMM +), cam kết Thỏa thuận khung Thương mại và Đầu tư Mỹ-Asean (TIFA).

Trước đó, việc Mỹ tham gia Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác tại Đông Nam Á (TAC) và thiết lập Phái đoàn thường trực bên cạnh Asean cũng nói lên cam kết  của chính quyền Obama trong việc tiếp tục thúc đẩy quan hệ  với Asean. Trong chiến lược này, hợp tác với Asean được coi trọng đặc biệt bởi vai trò, vị trí địa-chính trị của khối. Mỹ ủng hộ vai trò trung tâm của Asean và sẽ hợp tác chặt chẽ với Asean vì an ninh, hòa bình, phát triển và thịnh vượng của khu vực.

Tuy nhiên, ngoài những phát biểu chung chung, các bên tham gia tọa đàm đều không nêu rõ, khi Biển Đông đang nóng lên từng giờ, từng ngày, liệu Mỹ có chủ trương và biện pháp cụ thể nào để vừa giữ được lập trường trung lập trong cuộc tranh chấp, nhưng vẫn bảo đảm được an ninh và an toàn đi lại trên Biển Đông? Hơn nữa, trong bối cảnh giữa Mỹ và Philippines có một Hiệp ước Phòng thủ Hỗ tương thì chẳng nhẽ Mỹ khoanh tay đứng nhìn đồng minh của mình bị bắt nạt?

Phải chăng, như "Nhân dân Nhật báo" lập luận ngày 8/5, "Mỹ thận trọng lựa chọn trung lập, Asean cũng không có ai đứng ra, thái độ như vậy là rất rõ ràng"? Và có phải vì thế, vẫn theo tờ báo này, "TQ sẽ không ngần ngại tạo ra một 'mô hình Hoàng Nham' với PLP"? Trong khi chưa rõ đây sẽ là đòn quân sự hay ngoại giao thì Bộ trưởng Quốc phòng TQ Lương Quang Liệt nói với báo giới, một cách mập mờ, "hành động của quân đội phải căn cứ vào nhu cầu của ngoại giao quốc gia".

Giữa lúc căng thẳng, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta hôm 9/5 kêu gọi các nghị sỹ Mỹ sớm phê chuẩn UNCLOS. Ông coi Công ước là thiết yếu để Mỹ tập trung sức mạnh hải quân trong khu vực. Theo ông Panetta, Công ước sẽ giúp tăng cường những nỗ lực của Mỹ nhằm đảm bảo cho các tuyến hàng hải được mở ra để phục vụ giao thương. Đại tướng/Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Martin Demsay cũng cho rằng, Công ước sẽ giúp giải quyết tranh chấp bằng hợp tác thay vì bằng đại bác.

Những ván bài chồng lấn lên nhau

Xung đột hiện nay giữa Manila với Bắc Kinh là liều thuốc thử không chỉ đối với Hiệp ước Phòng thủ giữa Mỹ và Phillipines, mà còn là một thách thức đối với việc xây dựng quan hệ "đối tác chiến lược" giữa Mỹ và Asean được xác định cách đây hai năm. Trên thực tế, quan hệ "đối tác chiến lược" giữa TQ và Asean ký từ 2003, đã không ngăn cản được các cuộc tranh chấp tay đôi, thậm chí tay ba, tay tư giữa một số thành viên Asean, trong đó có Việt Nam với TQ tại Biển Đông.

Theo logic, một khuôn khổ quan hệ tay ba Mỹ-Trung-Asean nếu muốn ổn định, ngoài vấn đề "đối tác chiến lược", không thể thiếu Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC). Đáng tiếc là Bộ Quy tắc này TQ đã cam kết với Asean từ mười năm nay, nhưng vào những ngày này, tương lai của nó xa vời hơn bao giờ hết. Càng xa vời hơn khi Campuchia đang là Chủ tịch Asean và từ tháng 7/2012 tới, Thái Lan sẽ đảm nhiệm cương vị nước điều phối quan hệ Asean - Trung Quốc.

Việc Campuchia và Thái Lan đứng về phía Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông hay không còn tùy thuộc vào nhiều ván bài chồng lấn khác. Hai nước này có thể nghĩ rằng, cháy nhà hàng xóm cứ bình chân như vại. Hơn nữa, cả hai đều cần Trung Quốc trong giải quyết căng thẳng xung quanh ngôi đền Preah Vihear. Vấn để là liệu họ có thể thỏa hiệp nhau đến đâu để hành động một cách có lợi nhất cho TQ trong một chủ đề không ảnh hưởng quyền lợi sát sườn của họ như tranh chấp Biển Đông.

Điều hệ trọng hiện nay là phải giải mã ván bài bao trùm hơn và quyết định hơn: quan hệ Trung - Mỹ hiện tại lẫn tương lai. Tương lai là chuyện khó đoán, nhưng hãy cẩn thận với vòng đối thoại kinh tế chiến lược mới đây nhất mà cả hai bên xem ra có vẻ hỉ hả hơn so với những vòng của các năm trước. Hơn ai hết, nước Mỹ hiểu rằng, một thỏa hiệp kiểu Kissinger - Chu Ân Lai năm xưa sẽ làm xói mòn cuộc trắc nghiệm mà Mỹ đang muốn tiến hành với các đồng minh và đối tác mới trong khu vực.

Dầu sao mặc lòng, giữa một "siêu" (được coi là đang xuống) với một "đại" (tự tuyên bố đang trỗi dậy) nhiều lúc vẫn cần những phút "giải lao" giữa các hiệp đấu. Vận mệnh của các quốc gia vừa và nhỏ, nếu rơi vào khoảnh khắc ấy thì đành đổ tại số trời! Đối tác chiến lược Asean - Mỹ năm nay xem ra chưa có nhiều hứa hẹn, khi mà ở cả Bắc Kinh lẫn Washington, cuộc chuyển giao quyền lực đang vào hồi gay cấn.

Hoàng Dũng Nhân