Trong hành trình hội nhập khu vực ASEAN, hợp tác tiểu vùng là chìa khóa thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường kết nối, thúc đẩy phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm, hướng tới sự phục hồi mạnh mẽ cho toàn khu vực.
Cùng với quá trình liên kết khu vực được thúc đẩy nhanh và sâu rộng của ASEAN, việc gắn kết và bảo đảm các vùng, miền theo kịp với tiến trình phát triển chung của khu vực có ý nghĩa đặc biệt, cần đẩy mạnh đoàn kết, hợp tác và chung tay phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia, đóng góp vào các nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển và phát triển đồng đều, bền vững trong cả khu vực ASEAN.
Đây là một cách tiếp cận rất phù hợp và được các nước ủng hộ, để ASEAN không chỉ phát huy vai trò trung tâm của mình ở một khu vực rộng lớn mà trước hết ASEAN phải phát huy vai trò trung tâm trong vùng lãnh thổ của mình, trong đó có các tiểu vùng của ASEAN.
Để phát triển các tiểu vùng hay ở các khu vực khác, trước hết là cần phải có nhận thức chung; từ nhận thức chung đó sẽ đề ra các chính sách; từ chính sách mới hình thành các cơ chế, từ đó thu hút các nguồn lực, sự quan tâm và có các dự án, kế hoạch cụ thể.
Cụ thể, trong thời gian tới, các cơ chế hiện có của tiểu vùng cũng như các tổ chức, cơ chế của ASEAN cần phải gắn bó hơn nữa để phối hợp với nhau, đề ra các kế hoạch hành động cũng như có các dự án nhằm thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư, doanh nghiệp của các nước trong khu vực cũng như tạo cơ chế để các nước ngoài khu vực có thế tham gia và đóng góp.
Ngọc Dũng