Ngày 8/8/2016, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) kỷ niệm 49 năm thành lập. Đến nay, ASEAN không chỉ mở rộng về qui mô thành viên mà còn khẳng định vai trò và uy tín của tổ chức trong khu vực và quốc tế, với dấu mốc quan trọng là Cộng đồng ASEAN ra đời vào ngày 31/12/2015.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung đã trả lời phỏng vấn báo chí về các cơ hội cũng như thách thức mà ASEAN đang đối mặt.
PV: Thưa Thứ trưởng, trải qua 49 năm hình thành và phát triển của ASEAN, một trong những dấu mốc đáng nhớ của tổ chức đó là việc thành lập Cộng đồng ASEAN vào cuối năm ngoái. Vậy Thứ trưởng có thể cho biết những bước tiến đạt được kể từ khi Cộng đồng chung ra đời?
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung: Thành tựu nổi bật nhất của ASEAN kể từ khi Cộng đồng ASEAN được thành lập đó là triển khai các kế hoạch đã đề ra, ví dụ như trong lĩnh vực hòa bình và an ninh, với khoảng 200-300 dòng hành động trong kế hoạch đã thực hiện được 40%.
Trong lĩnh vực kinh tế, ASEAN đã thúc đẩy được các hoạt động, nhất là liên kết với các đối tác bên ngoài và thực hiện thỏa thuận trong khuôn khổ của Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Trong 7 tháng qua, thành tựu lớn nhất của Cộng đồng kinh tế ASEAN đó là đi vào thực hiện những kế hoạch đã đề ra trong lĩnh vực kinh tế như tiếp tục thúc đẩy đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa các nước ở châu Á-Thái Bình Dương và ASEAN về một khu vực thương mại tự do, thực hiện sáng kiến kết nối trong ASEAN và ASEAN với các cộng đồng khác. Các nước cũng hợp tác sâu hơn trong lĩnh vực chuyên ngành như tài chính, thương mại đầu tư, lao động….
Thành tựu tiếp theo đó là Cộng đồng ASEAN tiếp tục thu hút được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Như chúng ta biết tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 49 vừa diễn ra tại Lào, có thêm 4 nước ngoài khu vực tham gia Hiệp ước hữu nghị và hợp tác, có thêm 2 đối tác tham gia vào quan hệ đối tác trong từng lĩnh vực. Hiện nay thế giới đều biết đến sự ra đời của Cộng đồng ASEAN cũng như uy tín của ASEAN trên trường quốc tế.
PV: Trong quá trình hình thành và phát triển, ASEAN có được nhiều thuận lợi nhờ vào môi trường hòa bình và ổn định trong khu vực. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, ASEAN cũng đối mặt với nhiều thách thức an ninh, trong đó có những căng thẳng ở Biển Đông. Vậy Thứ trưởng có thể nêu rõ những thách thức mà khối đang phải đối mặt cũng như vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các thách thức này?
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung: Trước hết phải nói không chỉ ASEAN mà các tổ chức khu vực cũng đang đối mặt với thách thức rất lớn trước những diễn biến của tình hình thế giới, ví dụ như nước Anh rời khởi EU có thể ảnh hưởng đến khía cạnh kinh tế.
Ngoài ra còn có các tác động an ninh truyền thống như nhiều khu vực Trung Đông Bắc phi đang bất ổn, khủng bố cùng các an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh… ASEAN không chỉ chịu tác động bởi những thách thức này mà còn đối mặt với những thách thức trong khối như diễn biễn phức tạp ở Biển Đông trong thời gian qua.
Riêng về vấn đề Biển Đông, ASEAN đã có những nhất trí cơ bản và quan trọng, đó là hòa bình và ổn định hợp tác ở Biển Đông có vị trí quan trọng không thể tách rời khỏi hòa bình ổn định hợp tác ở Đông Nam Á. Do đó duy trì hòa bình và ổn định, an ninh hợp tác ở Biển Đông là vì lợi ích chung của tất cả các quốc gia thành viên và cả cộng đồng quốc tế.
Các nước cũng nhất trí nguyên tắc cơ bản để giải quyết các tranh chấp đó là các nước tuân thủ hợp tác quốc tế trong đó Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), theo đó không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng các giải pháp hòa bình.
Đối với ASEAN-Trung Quốc thì thực hiện hiệu quả DOC và sớm tiến tới COC. Cũng phải nói đến lập trường của Việt Nam đó là ủng hộ, thúc đẩy hợp tác hữu nghị giữa các quốc gia ở Biển Đông và các nước bên ngoài vì họ có lợi ích, đồng thời ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp.
PV: Việt Nam luôn là một thành viên tích cực và chủ động trong việc củng cố và phát huy vai trò của ASEAN kể từ khi gia nhập. Xin Thứ trưởng cho biết những đóng góp cụ thể của Việt Nam trong việc củng cố Cộng đồng chung vừa ra đời?
Việt Nam luôn là một thành viên tích cực và chủ động trong việc củng cố và phát huy vai trò của ASEAN. (ảnh minh họa: KT).
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung: Từ khi thành lập Cộng đồng ASEAN, Việt Nam đã đóng góp tích cực trong kế hoạch xây dựng và triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 cũng như các chiến lược đề ra trong tất cả các lĩnh vực.
Riêng về kinh tế, Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc triển khai dòng hành động thúc đẩy thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN với việc thực hiện lên đến 93- 95%.
Việt Nam cũng là nước đầu mối chủ trì phần đầu tư và dịch vụ trong các cuộc đàm phán liên quan đến thương mại và liên kết kinh tế giữa ASEAN với Nhật Bản và EU.
Trong lĩnh vực chính trị- an ninh, Việt Nam đóng góp tích cực trong phát biểu cũng như hoạt động của mình với các nước ASEAN, phối hợp chặt chẽ với nước chủ tịch Lào ASEAN năm 2016 để giữ gìn đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN.
Việt Nam cũng đưa ra nhiều sáng kiến trong các lĩnh vực cụ thể. Ví dụ như tại Diễn đàn ARF gần đây tại Lào, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến được các nước thông qua liên quan đến việc phối hợp giữa các cơ quan thực thi phát luật trên biển.
Trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang phức tạp như hiện nay thì sáng kiến của Việt Nam rất hữu ích. Ngoài ra Việt Nam cũng có nhiều đóng góp cụ thể khác như kinh tế, mở cửa thị trường, đầu tư, an ninh chính trị…