Trong báo cáo kinh doanh quý III, Apple cho biết, doanh thu dịch vụ đạt 24,97 tỷ USD, cao nhất mọi thời đại, tăng trưởng 12% so với cùng kỳ năm 2023.

Giám đốc tài chính Luca Maestri gọi đây là “cột mốc quan trọng”. “Nhìn lại chỉ vài năm trước, tăng trưởng thật phi thường”.

Apple lần đầu công bố doanh thu mảng dịch vụ vào quý IV/2014. Khi đó, bộ phận này mang về 4,8 tỷ USD.

Thập kỷ vừa qua, bộ phận dịch vụ đóng vai trò quan trọng giúp Apple thu hút nhà đầu tư. Biên lợi nhuận của mảng là 74% trong quý gần nhất, cao hơn hẳn so với biên lợi nhuận chung 46,2% của cả công ty.

apple iphone bloomberg
iPhone vẫn đóng góp doanh thu lớn nhất cho Apple tại thời điểm hiện tại. Ảnh: Bloomberg

Theo hồ sơ trình lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC), bộ phận bao gồm quảng cáo, doanh thu cấp phép tìm kiếm từ Google, phí bảo hành AppleCare, dịch vụ trả phí như iCloud, Apple TV+, thanh toán từ Apple Pay và AppleCare.

Trong cuộc họp báo cáo kinh doanh tháng 1/2016, CEO Apple Tim Cook nói các nhà đầu tư hãy chú ý đến bộ phận dịch vụ - lúc ấy vẫn còn mới mẻ.

“Tôi thực sự nghĩ rằng những tài sản mà chúng tôi sở hữu trong lĩnh vực này rất rộng lớn và có lẽ là thứ gì đó mà cộng đồng đầu tư muốn và nên tập trung nhiều hơn nữa”, ông bày tỏ.

Qua thời gian, Apple so sánh bộ phận dịch vụ với quy mô của những công ty trong Fortune 500 – danh sách 500 doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ xét theo doanh thu – để nhấn mạnh quy mô của nó.

Theo CNBC, tách riêng mảng dịch vụ của “táo khuyết” cũng đủ để xếp hạng 40 trên danh sách, cao hơn cả ngân hàng Morgan Stanley và công ty Johnson & Johnson.

Đối với các nhà đầu tư, dịch vụ hấp dẫn vì nhiều thuê bao tự động đăng ký định kỳ. Mô hình này đáng tin cậy hơn so với phần cứng vì doanh số tăng giảm dựa trên nhu cầu với mỗi đời iPhone.

Apple tự tin doanh thu từ dịch vụ sẽ tăng trưởng cùng với nền tảng người dùng ổn định. Sau khi ai đó mua iPhone, họ nhiều khả năng đăng ký các thuê bao của hãng, sử dụng Safari để tìm kiếm Google hoặc mua gói bảo hành.

Nhà sản xuất iPhone gom số liệu “thuê bao” để bao gồm cả các dịch vụ tự phát triển như Apple TV+ và người đăng ký mua ứng dụng trên App Store.

Vào tháng 2, công ty tiết lộ đang có 2,2 tỷ thiết bị được kích hoạt và vào tháng 8, số thuê bao trả phí đạt 1 tỷ.

Dù vậy, Apple đối mặt với câu hỏi về thời gian mảng dịch vụ có thể tiếp tục tăng trưởng với tốc độ nhanh như vậy. Từ năm 2016 đến 2021, bộ phận ghi nhận tăng trưởng đặc biệt cao, khoảng 27,3%.

Về kết quả kinh doanh quý III, Apple đạt doanh thu 94,93 tỷ USD, kiếm được 46,22 tỷ USD từ iPhone, 7,74 tỷ USD từ Mac, 6,95 tỷ USD từ iPad, 9,04 tỷ USD từ các sản phẩm khác (bao gồm AirPods, HomePod, Apple Watch).  

Trong quý vừa qua, Apple phải nộp thuế thu nhập 10,2 tỷ USD để dàn xếp vụ kiện từ năm 2016 liên quan đến khai thuế tại Ireland, dẫn đến thu nhập ròng giảm bất chấp doanh thu tăng.

“Ông lớn” công nghệ Mỹ hiện nắm trong tay 156,56 tỷ USD tiền mặt.

iPhone vẫn là sản phẩm quan trọng nhất, đóng góp 49% doanh thu Apple. Theo CEO Tim Cook, doanh số iPhone 15 “mạnh hơn iPhone 14 trong cùng kỳ, và 16 mạnh hơn 15”.

Ông cho biết, đang đặt hi vọng vào Apple Intelligence, bộ tính năng AI trên iPhone và Mac vừa chính thức ra mắt cùng iOS 18.1.

Người đứng đầu “táo khuyết” tiết lộ, tỷ lệ người dùng cập nhật iOS 18.1 nhanh gấp đôi so với 17.1 một năm trước.

Apple đã khép lại tuần công bố kết quả kinh doanh đầy bận rộn của giới công nghệ. Hôm 29/10, Alphabet báo cáo kết quả tốt hơn dự đoán nhờ tăng trưởng từ đám mây.

Ngày tiếp theo, Microsoft đưa ra hướng dẫn doanh thu quý sau đáng thất vọng, dẫn đến vụ bán tháo cổ phiếu lớn nhất trong vòng 2 năm, còn Meta cũng cảnh báo chi phí hạ tầng tiếp tục tăng mạnh trong năm sau.

Amazon ghi nhận tăng trưởng lạc quan trong mảng đám mây.

(Theo CNBC, Bloomberg)