Vào ngày 17/1 sắp tới, hàng loạt cửa hàng Samsung Premium Store (SPS) sẽ được khai trương tại Hà Nội và TP.HCM. Đây là các cửa hàng do Samsung uỷ quyền, các nhà bán lẻ đứng sau thực hiện khâu vận hành.
Các cửa hàng SPS sẽ chỉ bán sản phẩm của Samsung, song các nhà bán lẻ có quyền đặt hệ thống nhận diện thương hiệu của họ bên cạnh. Chẳng hạn, 5 cửa hàng sắp khai trương sẽ có thêm tên thương hiệu SamCenter và MTSmart, đều do hai nhà bán lẻ quen thuộc trên thị trường đứng sau.
Theo các nguồn tin, phía Samsung sẽ đẩy mạnh mô hình cửa hàng dạng này trong năm 2022 tại Việt Nam.
Bên trong cửa hàng MTSmart sắp khai trương. |
Trước khi mở SPS, Samsung có mô hình SES (Samsung Experience Store) cũng hoạt động theo hình thức như trên, nhưng tên thương hiệu của nhà bán lẻ không được xuất hiện trong cửa hàng. Khách hàng khi bước vào cửa hàng SES sẽ cho rằng, cửa hàng do Samsung sở hữu, không thấy biết rằng đội ngũ nhân viên đều của nhà bán lẻ.
Nói với ICTnews, đại diện SamCenter cho hay mô hình SPS ngoài việc trưng bày sản phẩm còn đặt mục tiêu doanh thu. Do đó, các nhà bán lẻ vận hành sẽ chủ động tung các chương trình khuyến mại, giảm giá để bán hàng.
Trong khi đó, phía MTSmart cho biết, hiện mới mở một cửa hàng SPS, nếu thấy tiềm năng sẽ tiếp tục đầu tư mạnh hơn. Tuy nhiên ông tin tưởng về tên tuổi của thương hiệu Samsung và ngôi vị số 1 thị trường của hãng sẽ kéo khách hàng đến với cửa hàng chuyên biệt.
Mô hình SPS khá mới mẻ với Samsung tại Việt Nam nhưng trước đó Apple đã mở các cửa hàng tương tự, gọi là Mono Store, là các cửa hàng tách biệt chỉ bán sản phẩm của Apple. Hiện nay các nhà bán lẻ như Thế Giới Di Động, ShopDunk đang gấp rút mở mới các Mono Store dạng này, dưới các tên thương hiệu TopZone và ShopDunk.
Hình ảnh cửa hàng iLuxe sắp hoàn thiện. |
Cuối tuần này, cửa hàng iLuxe đi theo mô hình của Mono Store cũng sẽ ra mắt tại TP.HCM. Cửa hàng này có diện tích khoảng 180 mét vuông, bày bán hầu hết các sản phẩm chính hãng của Apple. Nói với ICTnews, đại diện iLuxe cho hay trong năm 2022 sẽ mở thêm nhiều cửa hàng ở Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ…
Dường như các hãng đang có trào lưu mở mới các cửa hàng chuyên biệt chỉ bán sản phẩm của họ. Hồi tuần trước, Xiaomi đã kết hợp cùng Digiworld mở Xiaomi Zone ở Vạn Hạnh Mall (TP.HCM). Nói với ICTnews, ông KM Leong – CEO Xiaomi Đông Nam Á – cho hay sẽ mở rộng các cửa hàng Xiaomi trên toàn khu vực lên đến 1.000 trong năm 2022, tăng mạnh so với con số 150 hiện tại.
Ông Phạm Tuấn Anh, đại diện chuỗi ShopDunk, đánh giá các cửa hàng chuyên biệt của các hãng sẽ giúp người dùng có được trải nghiệm xuyên suốt các sản phẩm, được tư vấn nhiệt tình hơn bởi đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản.
“Ngoài ra khi vào các cửa hàng chuyên biệt, khách sẽ tránh được trường hợp nhân viên các hãng khác chèo kéo để mua sản phẩm”, ông Tuấn Anh nói với ICTnews. Ông cũng nhấn mạnh rằng các cửa hàng chuyên biệt của một hãng cũng giúp hãng lắng nghe ý kiến khách hàng tốt hơn, liền mạnh hơn khi so với các kênh bán lẻ đại trà.
Trong khi đó, đại diện iLuxe đánh giá các cửa hàng chuyên biệt của Apple nói riêng và của các hãng khác nói chung sẽ giúp người sử dụng có không gian trải nghiệm thoải mái trước khi mua. Đặc biệt, những khách hàng đã trung thành với một thương hiệu sẽ có xu hướng đến các cửa hàng chuyên biệt của thương hiệu đó để tham quan được toàn bộ hệ sinh thái, và trải nghiệm được đầy đủ sản phẩm hơn so với cửa hàng thông thường.
Mới khai trương hồi tháng 10 nhưng đến thời điểm viết bài này, Thế Giới Di Động đã mở được 16 cửa hàng TopZone ở các tỉnh thành khác nhau. Theo một số thông tin, trong tháng này chuỗi này sẽ khai trương một cửa hàng APR (Apple Premium Reseller) lớn nhất của họ tại Hà Nội.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh, cho hay mỗi cửa hàng TopZone hiện nay mang về cho chuỗi này trên 25 tỷ đồng/tháng, tức cao hơn khoảng 5 lần so với một cửa hàng Điện máy Xanh trung bình. Sau khi mô hình này đi vào ổn định, sự mới mẻ giảm bớt, lãnh đạo Thế Giới Di Động kỳ vọng mỗi cửa hàng TopZone có thể mang về 8-10 tỷ đồng/tháng.
Ông Phạm Tuấn Anh dự báo khi Apple, Samsung, Xiaomi làm thành công mô hình các cửa hàng chuyên biệt, các hãng khác có thể sẽ nhảy vào. Hiện nay, hầu hết các hãng đều có cửa hàng trải nghiệm và trưng bày sản phẩm, song các cửa hàng này chỉ mới dừng ở mức cho khách tham quan, chưa đặt nặng doanh thu so với mô hình mới mẻ mới xuất hiện gần đây.
Hải Đăng
Nhà bán lẻ sốt sắng mở cửa hàng riêng chuyên bán đồ Apple
Thêm một nhà bán lẻ nhảy vào mở cửa hàng chỉ bán sản phẩm Apple, cho thấy mô hình này có thể sẽ được nhân rộng trong năm tới.