Bị bủa vây bởi các cửa hàng chính hãng

Thị trường bán iPhone xách tay trong hai năm trở lại đây thu hẹp dần, gần đây lại càng chịu ảnh hưởng do sự ra đời của các mô hình cửa hàng chính hãng được Apple uỷ quyền.

{keywords}
Một cửa hàng TopZone sắp khai trương tại TP.HCM. (Ảnh: Hải Đăng)

Mới đây nhất, Thế Giới Di Động nhảy vào mở chuỗi TopZone chỉ chuyên bán hàng Apple. Nhà bán lẻ này khai trương 4 cửa hàng đầu tiên ở hai thành phố lớn nhất nước, sau đó có kế hoạch mở thêm tổng cộng 60 cửa hàng vào quý I/2022.

Đây là mô hình có sự hậu thuẫn của Apple, cho thấy hãng này thể hiện rõ mong muốn hiện diện rõ ràng hơn tại Việt Nam. TopZone của Thế Giới Di Động chính là các cửa hàng AAR (Apple Authorized Retailer - nhà bán lẻ được uỷ quyền) và APR (Apple Premium Retailer - nhà bán lẻ ở quy mô cao nhất).

Trước đây, các cửa hàng AAR thường gộp chung với các siêu thị bán lẻ hàng công nghệ của nhiều thương hiệu khác nhau. Chỉ riêng các cửa hàng APR mới được dựng riêng để bán đồ Apple, song số lượng cửa hàng dạng này chiếm rất ít tại Việt Nam, dễ thấy nhất là chuỗi F.Studio của FPT và một cửa hàng eDigi.

Tuy nhiên trong năm nay, Apple đã bắt tay với Thế Giới Di Động để ra các chuỗi APR, AAR có thương hiệu riêng, độc lập với nhà bán lẻ. Trước đó, một số cửa hàng ShopDunk cũng được làm theo mô hình này.

Không chỉ tăng sự hiện diện bằng các cửa hàng độc lập, Apple cũng gia tăng thêm nhà bán lẻ được uỷ quyền tại Việt Nam trong năm nay. Cụ thể, chuỗi Minh Tuấn Mobile mới đây chính thức gia nhập nhóm cửa hàng AAR chuyên bán hàng Apple chính hãng.

Năm ngoái, chuỗi hơn 30 cửa hàng Di Động Việt cũng nhận được chứng nhận từ hãng sản xuất iPhone để trở thành đại lý bán lẻ được uỷ quyền.

Hai chuỗi bán lẻ vừa nói ở trên cách đây vài năm cũng từng sống nhờ nguồn iPhone xách tay, tuy nhiên sau đó đã làm việc với Apple để trở thành nhà bán chính thức của hãng.

Việc những chuỗi quy mô vừa chuyển hẳn sang bán hàng chính hãng tác động không nhỏ đến thị trường iPhone xách tay. Động thái này một mặt khuyến khích khách hàng mua sản phẩm được phân phối chính thức, mặt khác cũng khiến các cửa hàng nhỏ lẻ thay đổi suy nghĩ trong việc chọn lựa nguồn hàng để phân phối.

Sự tác động nói trên, kết hợp với việc xuất hiên các mô hình cửa hàng APR, AAR mới khiến các cửa hàng nhỏ lẻ bán iPhone xách tay trở nên đơn độc hơn.

iPhone xách tay chịu tác động tứ bề

Song song với việc tăng cường sự hiện diện của các cửa hàng được uỷ quyền, Apple cũng mạnh tay với các mặt hàng iPhone đang bán tại Việt Nam không qua nhà phân phối chính thức.

Cụ thể, vào tháng 6 năm nay, hàng loạt gian hàng trên các sàn thương mại điện tử chuyên bán iPhone khoá mạng, iPhone không rõ nguồn gốc đều bị ẩn đi.

Trước đó, vào năm 2017, Apple cũng đã thuê luật sư gửi yêu cầu các cửa hàng điện thoại gỡ bỏ hình ảnh logo sử dụng trái phép, dễ khiến khách hàng nhầm tưởng các cửa hàng này do Apple uỷ quyền.

Tuy nhiên dấu mốc quan trọng tạo sự xoay chuyển ở thị trường xách tay là Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, trong đó có nội dung cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 50 triệu đồng, tùy giá trị hàng hóa nhập lậu; tổ chức vi phạm kinh doanh hàng lậu sẽ bị phạt từ 1 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

Nghị định này xuất hiện cách đây đúng 1 năm đã khiến nhiều cửa hàng kinh doanh điện thoại lớn e dè trong việc nhập hàng, đồng thời tạo nên làn sóng chuyển sang kinh doanh hàng chính hãng.

Ngoài những chiến lược nói trên, Apple cũng không quên thay đổi hành vi người dùng từ những điều thiết thực nhất. Nhận thấy thế mạnh của hàng xách tay là giá rẻ và có hàng sớm tại Việt Nam, hãng đã thay đổi điều này trong hai năm gần đây.

Năm nay, dòng iPhone 13 chính thức mở bán trong nước vào ngày 22/10, chỉ chưa đầy một tháng sau khi mở bán ở các thị trường phát triển. Năm ngoái, chênh lệch thời gian là hai tháng. Trước đây, khoảng thời gian chờ có thể lâu hơn, tạo điều kiện cho các cửa hàng xách tay nhập hàng về bán.

Cùng với đó, chính sách giá cũng được điều chỉnh. iPhone chính hãng từ thế hệ 12 đã có nhiều model rẻ hơn giá xách tay. Năm nay, dòng iPhone 13 phân phối chính thức cũng rẻ hơn hàng xách tay vài triệu đồng tuỳ mẫu.

Đó là chưa kể, Covid-19 khiến hệ thống giao vận gặp vấn đề. Những bên kinh doanh hàng xách tay không được hậu thuẫn chính thống nên khó khăn trong khâu nhập hàng, khiến hàng hoá khan hiếm và đắt đỏ hơn.

Những lý do chủ quan và khách quan nói trên cho thấy sự thu hẹp dần của thị trường iPhone xách tay tại Việt Nam. Trong thời gian tới, chắc chắn nhóm cửa hàng bán đồ xách tay sẽ càng thưa thớt dần do người dùng đã hình thành thói quen mua hàng chính hãng.

Hải Đăng

Cơ hội nào cho chuỗi TopZone của Thế Giới Di Động?

Cơ hội nào cho chuỗi TopZone của Thế Giới Di Động?

Thế Giới Di Động nhảy vào mở chuỗi TopZone chỉ bán hàng Apple, một hướng đi tiềm năng nhưng không mới mẻ.