Ngày 8/8, Apple Pay đã chính thức ra mắt tại Việt Nam. Đây là ứng dụng ví điện tử do Apple phát triển để phục vụ người dùng hệ sinh thái iOS. Theo đó, người dùng chỉ cần thêm thẻ tín dụng vật lý vào ứng dụng có thể thanh toán online các dịch vụ.
Để thanh toán, người dùng chỉ cần nhấn đúp nút sườn hoặc nút home, xác thực bằng Face ID hoặc Touch ID và giữ phần trên của iPhone hay màn hình Apple Watch gần đầu đọc thẻ không tiếp xúc.
Mỗi giao dịch Apple Pay đều được xác thực bằng Face ID, Touch ID hoặc mật khẩu của thiết bị, cùng với mã bảo mật động dùng một lần.
Ra đời năm 2014, nhưng đến nay người Việt Nam mới chính thức được sử dụng Apple Pay và với sự xuất hiện của ví điện tử đã tạo ra sự thích thú cho người dùng đang sử dụng hệ điều hành iOS tại Việt Nam.
Chỉ trong ngày 8/8, hàng loạt người dùng đã khoe việc tích hợp các loại thẻ ngân hàng vào ví điện tử của Apple, đồng thời nhiều người nổi tiếng trong giới công nghệ cũng tiến hành livestream hướng dẫn người dùng cách sử dụng để thanh toán các dịch vụ tại các điểm mua sắm.
Theo đánh giá của những người sử dụng Apple Pay tại Việt Nam, ví điện tử hoạt động rất nhạy trên cả iPhone lẫn Apple Watch, việc thanh toán vô cùng nhanh chóng và tiện lợi.
Sự xuất hiện ví điện tử của Apple tại Việt Nam khiến nhiều người đặt câu hỏi, liệu nó có đe dọa đến thị trường ví điện tử trong nước, ở đây là cạnh tranh trực tiếp với các ví như ZaloPay, MoMo hay không?
Trả lời vấn đề này với VietNamNet, trong buổi gặp gỡ báo chí giới thiệu mã QR-đa năng vừa qua, bà Lê Lan Chi, CEO của ZaloPay cho biết, với việc Apple Pay chỉ chấp nhận hình thức thanh toán qua thẻ tín dụng quốc tế, thẻ thanh toán và thẻ ghi nợ là chính, sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến ví điện tử trong nước, bởi tỉ lệ người dùng sử dụng các loại thẻ này vẫn chưa phổ biến.
Bên cạnh đó, một điều đáng chú ý là ZaloPay cũng vừa đưa ra thông báo, ví điện tử chính thức là một trong những đối tác cung cấp dịch vụ thanh toán đầu tiên tại Việt Nam của Apple Pay. Điều này có nghĩa các đối tác doanh nghiệp đang hợp tác và sử dụng Cổng thanh toán ZaloPay (ZaloPay Gateway) có thể mở thêm lựa chọn thanh toán mới là Apple Pay cho khách hàng của họ.
Trong khi đó, đại diện truyền thông của MoMo cũng chia sẻ, về mức độ ảnh hưởng của Apple Pay đối với các ví điện tử trong nước là có nhưng không đáng kể. Bởi các điểm chấp nhận thanh toán Apple Pay là các thương hiệu cao cấp, và phải có thiết bị là máy POS mới thực hiện được.
Ở góc độ người dùng, anh Nguyễn Trần Duy Phương, một lập trình viên tại TP.HCM nhận định, hiện tại ví điện tử của Apple chưa tác động nhiều đến thị trường ví điện tử trong nước, bởi nó mới chỉ phục vụ cho nhóm người dùng của Apple (những người có thu nhập và chất lượng đời sống thường cao hơn) là chính.
Bên cạnh đó, Apple Pay chỉ là phương thức thanh toán, còn việc cung cấp các dịch vụ lại do đối tác thực hiện, trong khi các ví điện tử như MoMo thường đi theo xu hướng tích hợp siêu ứng dụng nên có nhiều dịch vụ sẽ cung cấp luôn trong ví mà điều này Apple Pay không làm được.
Một điều nữa, theo anh Nguyễn Trần Duy Phương, đó là các ví điện tử tại Việt Nam hiện nay hỗ trợ cả thẻ nội địa và liên kết tài khoản ngân hàng, còn Apple Pay thì không. Chính vì thế, người dùng chưa có thẻ thanh toán quốc tế vẫn sẽ chọn ví điện tử, hơn nữa với đặc thù tại thị trường Việt Nam không phải điểm bán hàng nào cũng có máy POS dạng không tiếp xúc, đặc biệt là các tiệm tạp hoá nhỏ hay quán nước, người dùng cũng sẽ phải dùng các ví điện tử như MoMo hay ZaloPay để quét mã thanh toán.
Đồng quan điểm, anh Trần Đức Trung đến từ diễn đàn Tinh tế cũng cho rằng, các ví điện tử tại Việt Nam hiện quá mạnh, ứng dụng dùng rất tốt trên các nền tảng Android lẫn iOS, bên cạnh đó có thể liên kết với nhiều ngân hàng để hỗ trợ thanh toán. Đây là điều mà các ví thanh toán kiểu như Apple Pay rất khó để làm được.