Ảnh minh họa

Đây là cảm nhận của tác giả Cherlynn Low từ blog công nghệ nổi tiếng Engadget. Mọi tính năng mới trên iPhone đều là tính năng cũ của một công ty khác. Apple học hỏi và làm tốt hơn vì là kẻ đi sau, nhường rủi ro cho người đi đầu, đặc biệt khi nói tới nhiếp ảnh – lĩnh vực công ty từng tỏa sáng trước đây.

Chẳng hạn, tính năng Deep Fusion mới mà Giám đốc tiếp thị Phil Schiller mô tả là “thú vị”, dựa trên máy học và Neural Engine trên chip A13 Bionic. Theo Apple, hệ thống có thể xử lý hình ảnh, tối ưu hóa các chi tiết và nhiễu trong mọi phần của ảnh. Tuy nhiên, Deep Fusion chỉ xuất hiện trong tương lai nên chúng ta không thể biết nó có tác dụng tới đâu. Nó khác với Night Mode, chế độ chụp đêm chứng minh được khả năng của mình thông qua các tấm ảnh chụp mẫu của Apple.

Song Night Mode lại là ví dụ rõ ràng nhất cho thấy Apple đi sau đối thủ. Nếu bạn còn nhớ, chế độ chụp đêm Night Sight trên Google đã được giới thiệu tháng 11/2018 và cho kết quả ấn tượng khi chụp thiếu sáng. Google thậm chí còn không phải hãng đầu tiên thử nghiệm tính năng chụp đêm. Trước đó, còn có Huawei, LG và Samsung đạt thành công nhất định.

Tất nhiên, Apple vẫn giữ được “chất” riêng, không bị hòa tan. Giữa cuộc đua megapixel khốc liệt, “táo khuyết” dừng lại ở 12MP và chuyển hướng tập trung sang các tính năng như lấy nét tự động, chụp thiếu sáng, tăng kích cỡ điểm ảnh cho chất lượng tốt hơn. iPhone 5s và iPhone 6 được đánh giá là điện thoại chụp ảnh tốt nhất vào thời điểm ra mắt nhờ lẽ đó. Apple còn đi trước thời đại khi giới thiệu chế độ chụp xóa phông Portrait.

Khi đưa camera kép lên iPhone 7 Plus, Apple cũng chọn thiết kế hợp lý hơn đối thủ. Ông kính thứ hai là ống kính tele thay vì ống kính đơn sắc như Huawei P9 hay góc rộng như LG G5. Cách tiếp cận của công ty nhanh chóng trở nên phổ biến trong ngành smartphone. Dù vậy, ngày nay, Apple lại bị xem là tụt hậu so với kình địch Samsung, Huawei và LG về khả năng chọn lựa xu hướng chứ chưa nói tới mở ra xu hướng.

Về phần cứng, năm nay, Apple mới bổ sung ống kính góc siêu rộng 120 độ cho cả ba iPhone. LG là một trong các hãng đầu tiên thử nghiệm thể loại này khi thêm ống kính siêu rộng vào G5 năm 2016. Ban đầu, ai cũng nghĩ nó chỉ để quảng cáo nhưng dần dần, mọi người nhìn ra sự linh hoạt mà nó mang lại cho nhiếp ảnh di động.

Các đối thủ của LG “tiếp sóng” khá nhanh. Galaxy S10, S10+, Note 10, Huawei P30 Pro… đều có ống kính siêu rộng. Apple là hãng mới nhất học theo LG.

Apple không chỉ “vay mượn” ý tưởng trên thị trường smartphone. Với Apple Watch Series 5, công ty giới thiệu tính năng Always On Display, đồng nghĩa thiết bị luôn hiển thị thời gian mọi lúc. Nó chính là tính năng “xưa như diễm” trên nhiều smartwatch khác. Tính năng theo dõi sức khỏe cho nữ giới học hỏi Fitbit, Garmin. Hiện Samsung, Google vẫn chưa tích hợp tính năng này nên Apple dù sao cũng chưa phải người chậm chân nhất nhưng chắc chắn, họ không phải người mở đầu xu hướng.

Sáng tạo luôn đi cùng rủi ro, dễ hiểu khi Apple muốn an toàn. Thái độ chờ đợi của công ty không phải điều gì mới mẻ. Nhiều người đã chỉ ra Apple đi sau đối thủ nhiều thế nào. Đã lâu rồi kể từ khi công ty của Tim Cook gây bất ngờ cho ngành công nghệ với ý tưởng đột phá.

Đôi khi, bạn quên mất rằng iPhone từng là kẻ tiên phong. Apple không còn là công ty sáng tạo nữa, mà chỉ là hãng kinh doanh thuần túy.