iPhone không ngừng gây tranh cãi kể từ ngày ra đời. Ảnh: AFP

Apple mưu đồ biến iPhone thành “cục gạch” nếu bị bẻ khoá

ICTnews - Apple khuyến cáo iPhone bẻ khoá có thể trở nên vô dụng sau khi hãng nâng cấp phần mềm. Song các hacker lại nói đó chỉ là "mưu mô" của Apple.

Theo Apple, những người mua iPhone sau đó ra sức bẻ khóa nhằm “cởi trói” iPhone khỏi mạng AT&T và dùng iPhone với các mạng di động khác có thể gặp kết cục iPhone sẽ không còn hoạt động nổi sau khi Apple nâng cấp phần mềm.

Kể từ khi iPhone xuất hiện trên thị trường Mỹ hồi tháng 6/2007, hacker đã đăng tải trực tuyến một số biện pháp giúp iPhone không chỉ dùng với mạng di động của AT&T - hãng độc quyền phân phối iPhone - mà còn với các mạng di động khác.

Các quan chức Apple nói họ đã phát hiện ra nhiều chương trình bẻ khóa bất hợp pháp có thể gây ra một số phần mềm có hại cho iPhone.

Và nay, một phần mềm nâng cấp mà Apple dự định phát hành vào cuối tuần này sẽ bổ sung thêm một số tính năng cho iPhone, như truy cập vào kho nhạc Wi-Fi của iTunes, có thể khiến những chiếc điện thoại màn hình cảm ứng sang trọng và cao cấp trở nên hoàn toàn vô dụng nếu đã từng bị hack.

“Chẳng còn gì có thể làm với một chiếc điện thoại đã bị bẻ khoá hoặc tấn công”, Phil Schiller, Phó chủ tịch cấp cao marketing sản phẩm toàn cầu của Apple nói trong một cuộc phỏng vấn. “Thật không may là một số trong những chương trình (bẻ khoá) đã gây hại cho phần mềm iPhone, nhưng Apple không thể chịu trách nhiệm cho những hậu quả này”.

Schiller nói ông không biết hiện có bao nhiêu iPhone đang hoạt động trên các mạng di động khác.

Các hacker nói gì?

Các chương trình bẻ khoá - bao gồm một số chương trình có thể được tải miễn phí, và những chương trình được bán với giá ít nhất 25 USD - có vẻ rất được sự quan tâm của người tiêu dùng tại châu Âu. Nhiều người châu Âu đã mua iPhone tại Mỹ mang về, nhưng Apple vẫn chưa bán hay cung cấp dịch vụ cho iPhone tại châu Âu cho đến tháng 11 tới.

“Từ góc độ người tiêu dùng, vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng với bất kỳ ai đã bẻ khoá chiếc iPhone của họ - đặc biệt là những người ở ngoài nước Mỹ, bởi bẻ khoá là cách duy nhất để họ có thể dùng iPhone”, Erica Sadun, một lập trình viên máy tính ở Denver, người đã phát triển giao diện cho một chương trình phần mềm giúp mở khoá iPhone, nói. “Apple cơ bản đã nói với họ (những người bẻ khoá): ‘Xin lỗi, chúng tôi không thể hợp tác với anh’”.

John McLaughlin, chủ của trang Web Uniquephones.com, tại Bắc Ireland, đã phát triển phần mềm bẻ khoá nhưng công ty anh không bán hay phân phối nó. Anh gọi lời khuyến cáo của Apple là “một cái gì đó chứa đựng mưu mô”.

Bất kỳ ai đã từng bẻ khoá iPhone đều có thể đưa nó trở về trạng thái hoạt động ban đầu, anh nói.

“Chúng tôi đã xem xét mã nguồn của một số ứng dụng và chắc chắn có thể dễ dàng đưa bất cứ phần mềm nào đã bị thay đổi trở lại như cũ”, McLaughlin nói trong một email. “Sau khi bẻ khoá iPhone, chỉ cần một nỗ lực nhỏ là có thể đưa nó về trạng thái nguyên vẹn (chưa bẻ khoá) ban đầu”.

Tuy nhiên, Apple khẳng định cũng như bất cứ sản phẩm nào của Apple, tấn công vào iPhone nghĩa là đã tước đi quyền được bảo hành sản phẩm. Apple đã bán được hơn 1 triệu iPhone kể từ ngày 29/6.

Huyền Thương

Theo AP