Năm 2020, Apple từng khiến toàn bộ giới quảng cáo trực tuyến bất ngờ khi công bố tính năng App Tracking Transparency (ATT - Minh bạch theo dõi người dùng). ATT cho người dùng toàn quyền lựa chọn mình có muốn các app trên smartphone theo dõi hành vi hay không, khiến các nền tảng quảng cáo mất lợi thế lớn.
Trong đó, Facebook (giờ là Meta) bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuy nhiên, Wall Street Journal, trên thực tế Apple và Facebook từng là đối tác kinh doanh tiềm năng. Thậm chí, Táo khuyết đã có kế hoạch bắt tay với Facebook để “chia sẻ” doanh thu trị giá hàng tỷ USD trong lĩnh vực quảng cáo.
Hợp tác cùng nhau kiếm tiền
Trước đó, nhiều người cho rằng Apple và Meta đã trở thành đối thủ sau khi Apple giới thiệu tính năng App Tracking Transparency. Cài đặt này giúp người dùng dễ dàng quản lý việc các ứng dụng và trang web của bên thứ 3 như Facebook thu thập dữ liệu và theo dõi họ.
Apple muốn kiếm thêm lợi nhuận từ mảng quảng cáo trị giá hàng tỷ USD của Facebook. Ảnh: Getty Images. |
Sự hợp tác của Apple và Facebook diễn ra vào giai đoạn năm 2013-2018. Trong khi nhà sản xuất sở hữu App Store, kho ứng dụng khổng lồ với hàng trăm triệu người dùng, Facebook lại là một trong những ứng dụng phổ biến nhất trong hệ sinh thái này.
Song, app mạng xã hội này lại không sinh lời cho Apple, khiến lãnh đạo tập đoàn đau đầu, một nguồn tin nội bộ cho biết. Do đó, Táo khuyết đã có nhiều đề xuất để cố chiếm miếng bánh trong lợi nhuận của Facebook, theo một nguồn tin thân cận.
Trong đó, nhà sản xuất iPhone từng nảy ra ý tưởng tạo ra một phiên bản Facebook thu phí người dùng, bù lại sẽ không có quảng cáo. Ứng dụng này sẽ mang lại số tiền lớn cho Táo khuyết khi không còn thu lợi nhiều từ app trên App Store như trước đây.
Bất đồng nảy sinh
Tập đoàn công nghệ còn nhắm vào miếng bánh béo bở từ việc bán quảng cáo của mạng xã hội. Táo khuyết cho rằng các bài viết được tăng lượng tiếp cận trên Facebook nên được xem như một hình thức trả phí trong ứng dụng (in-app purchase). Thay đổi này sẽ giúp Apple thu về 30% hoa hồng từ Facebook.
Tuy nhiên, hai tập đoàn đã không thể đi đến thống nhất.
Theo Wall Street Journal, vào thời điểm đó, Facebook muốn thay đổi những cài đặt về bảo mật của mình. CEO Mark Zuckerberg đã hoãn những cập nhật về dữ liệu để không làm ảnh hưởng tăng trưởng của mảng kinh doanh quảng cáo, một nguồn tin thân cận cho hay.
Phản hồi về tin đồn này, đại diện Apple cho biết không chỉ với Facebook, hãng thường xuyên gặp gỡ và thảo luận với các nhà phát triển để nâng cao trải nghiệm người dùng và mở rộng mảng kinh doanh của hai bên.
“Các thảo luận về hợp tác hay đổi mới khả năng theo dõi quảng cáo không hề liên quan đến những cập nhật tính năng gần đây”, đại diện Táo khuyết cho biết.
Meta gặp khó với cài đặt quyền riêng tư mới của Apple. Ảnh: Wall Street Journal. |
Về phần mình, Meta khẳng định những thay đổi về quyền riêng tư người dùng của họ không hề bị các công ty khác chi phối.
Apple làm khó Meta
Với tính năng ATT, phần lớn người dùng iOS tại Mỹ cấm các công ty công nghệ theo dõi thiết bị của họ, theo công ty nghiên cứu Insider Intelligence. Do đó, hồi tháng 6, 59% các nhà quảng cáo trên điện thoại ở Mỹ và Anh đã chuyển hoạt động của họ từ iOS sang Android, theo khảo sát của Tenjin và Growth FullStack.
Điều này cho thấy thay đổi của Apple đã ảnh hưởng lớn đến toàn bộ hệ sinh thái quảng cáo nói chung. Bằng chứng là từ đầu năm 2022 đến nay, ATT đã khiến các hãng công nghệ như Facebook, Twitter, Snap và YouTube mất 17,8 tỷ USD doanh thu từ quảng cáo, theo thống kê từ công ty quản lý dữ liệu Lotame.
ATT đã gây không ít thách thức cho các nhà quảng cáo và công ty công nghệ. Ảnh: Apple. |
Trong đó, Facebook gặp rất nhiều khó khăn với hệ thống theo dõi quảng cáo của mình. Theo Wall Street Journal, tính năng của Apple chính là nguyên nhân chính khiến 600 tỷ USD vốn hóa của công ty mạng xã hội bốc hơi chỉ trong vòng chưa đến một năm. Mới đây, Meta, công ty mẹ của Facebook, cũng báo cáo doanh thu quý lần đầu tiên sụt giảm kể từ năm 2012 đến nay.
Việc Apple công bố ATT vào năm 2020 đã khiến toàn bộ giới quảng cáo, trong đó có Facebook, điêu đứng vì không còn tự do tiếp cận đến dữ liệu người dùng như trước đây. Vì thế, Meta từng cân nhắc quay trở lại với đề xuất ra mắt phiên bản thu phí cho Facebook, một nguồn tin nội bộ cho hay.
Nhưng cái khó là dịch vụ tính phí thuê bao sẽ làm nảy sinh thêm nhiều vấn đề khác như liệu một người dùng có nhiều tài khoản thì có được áp dụng phiên bản không quảng cáo cho tất cả tài khoản hay không. Do đó, cuối cùng, công ty mạng xã hội vẫn không thực hiện ý tưởng này vì sợ làm ảnh hưởng đến mảng kinh doanh quảng cáo của mình.
(Theo Zing)
Đế chế bất ổn của Mark Zuckerberg: Không thể kiếm được tiền từ thứ gì khác ngoài quảng cáo, sắp phải bán WhatApp dù từng mua với giá 'cắt cổ' 19 tỷ USD
Instagram sa lầy vì cố bắt chước TikTok, tăng trưởng Facebook chậm chưa từng có, doanh thu quảng cáo thì sụt giảm.