*Zing.vn lược dịch theo quan điểm của Steve Kovach từ trang CNBC.
Apple từng rơi vào tình trạng khó khăn khi Tim Cook tiếp quản vị trí CEO của công ty. Sau sự ra đi của cố CEO Steve Jobs vào năm 2011, nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại rằng liệu công ty có thể tiếp tục tạo ra được những sản phẩm đột phá như iPod, iPhone và iPad hay không.
Sự bi quan này liên tục kéo dài trong năm 2012 và 2013 khi các đối thủ lớn khác như Samsung bắt đầu đẩy mạnh các sản phẩm thay thế iPhone với màn hình lớn cùng nhiều tính năng mới mẻ hơn.
Nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng Apple khả năng cao sẽ bị đẩy đến bờ vực. Công ty khi đó đã mất một người lãnh đạo lý tưởng và con người “thực dụng” như Cook sẽ không thể tạo ra một sản phẩm đột phá khác. Tuy nhiên, những người này đã sai.
Thời điểm mới tiếp quản Apple, nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại về khả năng của Tim Cook. Ảnh: CNBC. |
Dưới thời Cook, Apple không sáng chế ra những sản phẩm mới, giúp thay đổi cuộc chơi như điều iPhone từng làm được. Thay vào đó, ông đã sử dụng sự thành công của iPhone, thúc đẩy công ty tăng trưởng ở các lĩnh vực khác.
iPhone đã trở thành linh hồn cho toàn bộ hệ sinh thái của Apple. Dù doanh số của nó giảm xuống trong vài năm gần đây, nhưng công đã xây dựng được một hệ sinh thái phụ kiện và dịch vụ xung quanh.
Theo đó, cổ phiếu của Apple đã tăng khoảng 480% kể từ khi Cook tiếp quản công ty vào tháng 8/2011. Đến tháng 8/2018, hãng đã trở thành công ty Mỹ đầu tiên có giá trị vốn hóa vượt mốc 1.000 tỷ USD. Thậm chí, sau khi bộ 3 iPhone 11 ra mắt vào tháng 9/2019, giá trị vốn hóa của công ty tiếp tục tăng 400 tỷ USD.
Sự tăng trưởng của iPhone
Sau khi tiếp quản công ty, mục tiêu chính của Cook là mở rộng sự hiện diện của iPhone trên toàn thế giới. Trước đó, iPhone chỉ được bán ra ở Mỹ thông qua 2 nhà mạng Verizon và AT&T. Đến năm 2013, nhà mạng lớn thứ 3 tại quốc gia này là T-Mobile cũng bắt đầu bán sản phẩm của hãng.
Từ đó, iPhone tiếp tục được mở rộng trên toàn cầu. Một trong những cột mốc quan trọng là năm 2014, công ty đã hợp tác với China Mobile, nhà mạng lớn nhất tại Trung Quốc để phân phối iPhone tại quốc gia này.
Bộ đôi iPhone 6 và 6 Plus ra mắt vào năm 2014 giúp Apple đạt được doanh số khổng lồ trên toàn cầu. Ảnh: ArsTechnica. |
Cuối năm đó, Apple đã đạt được doanh số khổng lồ trên thế giới khi phát hành 2 mẫu iPhone 6 với màn hình lớn hơn. Điều này giúp công ty bán được 74,5 triệu máy trong quý IV.
Đây là khoảng thời gian doanh số iPhone đạt mức đỉnh điểm. Tuy nhiên, những nghi ngờ tiếp tục xuất hiện xoay quanh khả năng phát triển của công ty trong thời gian dài.
iPhone từng là một sản phẩm thay đổi cả ngành công nghiệp di động. Việc làm ra một thiết bị tương tự là điều gần như không thể. Chính vì thế, Cook đã chọn cách tạo ra một con đường mới cho sự phát triển của Apple bên cạnh iPhone.
Dịch vụ trở thành trọng tâm
Hiện tại, Apple nói về mảng dịch vụ của họ nhiều hơn bất cứ thứ gì khác. Chúng bao gồm các sản phẩm như nền tảng lưu trữ đám mây iCloud, kho ứng dụng App Store, thẻ Apple Card, dịch vụ nghe nhạc Apple Music cùng hàng tỷ USD mà Google trả cho hãng để có thể trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên các sản phẩm của Apple.
Tim Cook giới thiệu các sản phẩm dịch vụ của công ty. Ảnh: CNet. |
Năm 2019, Apple tiếp tục thúc đẩy mảng dịch vụ với việc ra mắt hàng loạt sản phẩm mới như Apple News+, gói dịch vụ trò chơi Apple Arcade hay Apple TV+.
Thậm chí, Cook cũng từng đưa ra gợi ý về một gói dịch vụ với tên gọi “Apple Prime”. Nó cho phép người dùng có thể làm mọi thứ như nâng cấp iPhone hàng năm hoặc sử dụng các dịch vụ trực tuyến khác với một khoản phí hàng tháng.
Các thiết bị đeo tăng trưởng mạnh
Dịch vụ là thứ được Apple nói đến nhiều nhất trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, mảng kinh doanh các phụ kiện đeo của hãng cũng đạt được mức tăng trưởng lớn. Hoạt động kinh doanh này gồm các thiết bị như AirPods, AirPods Pro, Apple Watch và tai nghe Beats.
Apple Watch, AirPods là những sản phẩm đem lại tăng trưởng mạnh ở mảng thiết bị đeo. Ảnh: The Verge. |
Năm 2019, Apple đã nâng cấp chiếc AirPods thường với một số cải tiến về thời lượng pin và bổ sung thêm tùy chọn vỏ sạc không dây. Đến mùa thu, hãng ra mắt AirPods Pro với thiết kế mới cùng khả năng chống ồn chủ động.
Bên cạnh đó, hãng cũng giảm giá thế hệ Apple Watch đời cũ về mức 199 USD, khiến nó trở thành một sự lựa chọn hấp dẫn hơn khi các đối thủ như Fitbit đang tỏ ra đuối sức trong cuộc đua. Với hai dòng sản phẩm là AirPods và Apple Watch, hãng đã tạo ra được thị trường riêng cho mình.
Có thể thấy, những sản phẩm này đều gắn với hệ sinh thái trong đó iPhone là trọng tâm. Điều này giúp Apple tiếp tục giữ chân người dùng ở lại lâu hơn với các sản phẩm của họ.