Apple vừa kiện cựu nhân viên thiết kế sản phẩm Simon Lancaster lên tòa án liên bang California hôm 11/3 vì tiết lộ bí mật thương mại cho báo chí. Đổi lại, Lancaster muốn tờ báo này đưa tin tốt về các công ty mà anh có liên quan.
Trong vụ kiện, Apple không nhắc tên tờ báo hay thông tin mà Lancaster rò rỉ.
Vụ kiện mới nhất nhấn mạnh tính tuyệt mật của Apple khi phát triển sản phẩm. Dù mọi hãng công nghệ khác đều bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ, Apple thậm chí còn đi xa hơn và đưa ra hệ thống mang tên “công khai”, nơi các nhân viên không được biết về các phần khác trong dự án để ngăn chặn rò rỉ.
Theo đơn kiện, một phóng viên đã tiếp cận Lancaster năm 2018, cả hai liên lạc trong năm sau đó trước khi anh này nghỉ việc tại Apple tháng 11/2019. Trong suốt thời gian này, Lancaster cung cấp thông tin về các sản phẩm chưa ra mắt, bao gồm tài liệu nội bộ. Có thời điểm, Lancaster nói với người khác rằng phóng viên kia sẽ đưa tin về doanh nghiệp mà anh có liên quan nếu gọi được vốn 1 triệu USD.
Tháng 11/2019, Arris Composites thông báo tuyển dụng Lancaster.
Apple xem thông tin về sản phẩm chưa ra mắt là bí mật thương mại quan trọng do nó là một phần trong chiến lược marketing, nhằm tạo ra “sự bất ngờ và thích thú” khi ra mắt thiết bị tại các sự kiện.
Vụ kiện hé lộ nhiều điều về văn hóa tối mật của Apple cũng như các điều kiện mà kỹ sư, nhà thiết kế phải tuân thủ. Chẳng hạn, nhóm phát triển sản phẩm làm việc hoàn toàn bí mật, thường kéo dài hàng năm. Thông tin mật của Apple chỉ được báo cho nhân viên và nhà thầu sau khi họ ký thỏa thuận nghiêm ngặt. Bên trong công ty, nhân viên chỉ có thể nói ra điều mà họ biết thông qua một hệ thống và nếu người yêu cầu thông tin có lý do chính đáng.
Apple có công cụ nội bộ để quản lý việc tiết lộ thông tin trong toàn công ty. Tất cả nhân viên tham gia dự án bí mật đều phải tham dự khác khóa đào tạo an ninh, nhắc nhở họ không được nói cho bất kỳ ai, kể cả gia đình, về điều họ đang làm. Bất kỳ ai trong văn phòng Apple không có huy hiệu công ty đều phải được một nhân viên Apple hộ tống.
Apple tin rằng các đối thủ khác bắt đầu nghiên cứu sản phẩm riêng sau khi đọc được tin tức về các sản phẩm chưa ra mắt của mình. Công ty cũng cho là tin rò rỉ về sản phẩm có thể làm giảm nhu cầu của khách hàng đối với các mặt hàng đang bán trên thị trường hay làm giảm tinh thần của nhóm phát triển.
Phát ngôn viên Apple khẳng định hàng chục ngàn nhân viên Apple đang làm việc không ngừng nghỉ mỗi ngày cho sản phẩm, dịch vụ và tính năng mới với hi vọng khiến khách hàng phấn khích và mang đến khả năng thay đổi thế giới cho họ. Đánh cắp ý tưởng và bí mật thương mại làm hỏng nỗ lực của họ, làm tổn thương khách hàng và Apple. Do đó, công ty xem hành vi đánh cắp bí mật thương mại, vi phạm đạo đức và chính sách vì mục đích cá nhân là vô cùng nghiêm trọng.
Du Lam (Theo CNBC)
Apple giảm sản lượng iPhone 12 mini
Nikkei Asia đưa tin, Apple giảm sản lượng iPhone 12 mini trong nửa đầu năm 2021 so với kế hoạch đưa ra hồi tháng 12/2020.