Khi mối đe dọa từ thuế quan lơ lửng trên đầu iPhone, Apple đã thực hiện nhiều biện pháp để bảo đảm nguồn cung, bao gồm vận chuyển hàng trăm tấn thiết bị đến Mỹ bằng đường hàng không và tăng cường sản xuất ở Ấn Độ.

iphone the verge
Apple thực hiện nhiều chuyến bay "giải cứu" iPhone từ tháng 3. Ảnh: The Verge

Theo truyền thông, số lượng iPhone "bay" sang Mỹ lên tới 600 tấn, tương đương 1,5 triệu máy. Từ tháng 3, khoảng 6 máy bay với năng lực chuyên chở 100 tấn đã bay từ Ấn Độ đến Mỹ, nguồn tin ẩn danh tiết lộ. Ngoài ra, Apple còn vận động hành lang để nhà quản lý hàng không Ấn Độ giảm thủ tục hải quan từ 30 tiếng xuống 6 tiếng tại sân bay quốc tế Chennai.

Apple “muốn đánh bại thuế quan”, một nguồn tin nói.

Song song với đó, Apple còn tăng sản xuất tại các nhà máy iPhone ở quốc gia Nam Á thông qua bổ sung nhân lực và cho nhà máy lớn nhất của Foxconn hoạt động vào cả Chủ nhật.

Những năm qua, Apple chuyển một số dây chuyền sang Ấn Độ khi căng thẳng Mỹ - Trung leo thang. Theo Bloomberg, khoảng 14% iPhone được lắp ráp tại đây năm 2024.

Hôm 9/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo tạm hoãn thuế đối ứng trong 90 ngày và chỉ áp dụng thuế phổ thông 10%, có hiệu lực ngay lập tức. Song chính sách này không áp dụng với Trung Quốc – địa bàn sản xuất lớn nhất của Apple. Thay vào đó, Trung Quốc còn bị áp thuế 145%.

Chính vì thế, Apple vẫn đang ở tình thế khó khăn liên quan đến chuỗi cung ứng. Theo nhà phân tích Dan Ives của Wedbush Securities, Trung Quốc là “biến số X lớn nhất” với Apple và chuỗi cung ứng.

Một chuyên gia cung ứng giấu tên cho biết iPhone 17 có thể điều chỉnh tăng giá mạnh. Huatai Securities dự đoán thuế Mỹ sẽ khiến iPhone bán tại Mỹ đắt hơn 240 USD.

Trong trường hợp Táo khuyết sản xuất iPhone tại Mỹ như mong muốn của ông Trump, giá iPhone có thể tăng tới 3.500 USD, theo chuyên gia Ives.

Ông gọi ý tưởng này là “truyện hư cấu”. Bên cạnh đó, để tái hiện chỉ 10% chuỗi cung ứng rộng lớn và phức tạp của châu Á ở Mỹ, công ty cần khoảng 30 tỷ USD và thời gian 3 năm.

Hoạt động sản xuất và lắp ráp thiết bị điện tử chuyển dịch sang châu Á từ hàng thập kỷ trước, trong khi các doanh nghiệp Mỹ chủ yếu tập trung phát triển phần mềm và thiết kế sản phẩm, mang lại biên lợi nhuận cao hơn.

Chiến lược đã giúp Apple trở thành một trong những công ty giá trị nhất thế giới và củng cố địa vị nhà sản xuất smartphone hàng đầu.

Chip dùng trên iPhone chủ yếu làm ra ở Đài Loan (Trung Quốc), tấm nền màn hình do Hàn Quốc cung ứng, một số linh kiện khác có xuất xứ Trung Quốc và công đoạn lắp ráp cuối cùng hầu hết diễn ra ở đây.

Vào tháng 2, Apple thông báo đầu tư 500 tỷ USD vào Mỹ trong 4 năm tới, song không nhắc gì đến sản xuất iPhone.

Các nhà phân tích đều có chung quan điểm iPhone nhiều khả năng sẽ đắt hơn từ 30% đến 45%, ngay cả khi chuỗi cung ứng vẫn ở lại châu Á.

(Theo CNN, Fortune)