Hai nhà thiết kế cho Apple từ những ngày đầu đã không ngần ngại chỉ trích hướng thiết kế mới của Táo khuyết, cáo buộc Apple đã quá duy mỹ khi ưu tiên sự thanh lịch và đơn giản mà hy sinh sự dễ hiểu và dễ dùng.
Bruce Tog Tognazzini là nhân viên thứ 66 của Apple và cũng là tác giả của tài liệu hướng dẫn về giao diện người dùng đầu tiên cho Táo khuyết, trong khi Don Norman là kiến trúc sư chịu trách nhiệm về trải nghiệm người dùng cho Apple từ năm 1993 đến 1996.
Hai "người cũ" này cùng nhau tuyên bố Apple đang "hủy diệt thiết kế", khi từ bỏ những nguyên tắc thiết kế căn bản mà Apple từng theo đuổi trong nhiều năm để đổi lấy cách tiếp cận "tối giản". Điển hình cho sự hủy diệt này, theo Tog và Norman chính là font chữ mới có tên San Francisco, bị nhiều người, bao gồm cả 2 nhà cựu thiết kế này, chê là quá nhỏ và khó đọc.
"Dù các sản phẩm bây giờ đúng là có đẹp hơn trước đây, nhưng vẻ đẹp đó đòi hỏi cái giá phải trả quá đắt. Không còn nữa những nguyên tắc căn bản của một thiết kế tốt như tính phát hiện, phản hồi...Thay vào đó, để theo đuổi yếu tố thẩm mỹ, Apple đã tạo ra những font chữ quá mỏng hoặc quá mảnh, kết hợp với sự tương phản thấp khiến cho nhiều người - dù là với thị lực bình thường - cũng khó xem, thậm chí là không xem được. Họ nghĩ ra những gesture (thao tác điều khiển điện thoại bằng chuyển động) mà chỉ giới lập trình may ra mới nhớ được. Nhiều tính năng tuy hay nhưng hầu hết người dùng không nhận ra là chúng tồn tại".
Bên cạnh đó, Apple cũng bị chỉ trích vì tội cứng đầu, không chịu bố trí nút Undo hoặc nút Back dù tất cả các hãng khác đều đã làm như vậy, có quá nhiều tính năng "ẩn" như thể muốn đánh đố người dùng. Hơn hết thảy, họ đã để sự tối giản về hình ảnh vượt lên trên tính khả dụng trong tài liệu hướng dẫn về giao diện người dùng mới, phát cho các nhà viết ứng dụng.
"Một thiết kế tốt phải hấp dẫn, mang đến sự thú vị và vui thích khi sử dụng. Nhưng sự vui thích đó đòi hỏi thiết bị phải dễ hiểu, dễ chấp nhận. Nó phải tuân thủ các nguyên tắc tâm lý cơ bản của con người trong việc hình thành nên cảm giác "hiểu" hoặc "vui thích". Đó là gì? Tính khám phá, đáp ứng, sơ đồ khoa học, nếu có hạn chế thì với liều lượng hợp lý, và tất nhiên, người dùng phải có quyền undo một hành động nào đó của mình. Đấy là những nguyên tắc cơ bản mà mọi sinh viên vỡ lòng đều phải học về thiết kế tương tác. Nếu như Apple mà tham gia lớp này thì chắc chắn là hãng đã thi rớt", hai nhà thiết kế kỳ cựu nhấn mạnh.
Vấn đề lớn hơn là do tầm ảnh hưởng sâu sắc của Apple đến văn hóa thiết kế, cách Apple lựa chọn sẽ có thể gây ra những hệ lụy tiêu cực cho nhiều ngành khác như hạ tầng, chăm sóc y tế. "Apple tin rằng, công việc duy nhất của một nhà thiết kế là tạo ra một thứ đẹp đẽ, mà không cần biết thứ đó có công năng đúng đắn hay không, có dễ dùng không".
Tệ hơn nữa, các hãng khác cũng đang đi theo gót Apple, quá chú trọng vào ngoại hình mà cắt bỏ nhiều tính năng được người dùng đánh giá cao như pin tháo rời, khe cắm thẻ nhớ. Nhiều nhà lập trình cũng lao vào viết code mà không cần hiểu về đối tượng người dùng sẽ sử dụng ứng dụng của mình. Các nhà thiết kế thì chỉ vò đầu bứt tai nghĩ cách làm sao mọi thứ trông thật đẹp đẽ. Ban giám đốc thì xóa sổ cả một ê kip trải nghiệm người dùng vì cho là không cần thiết.
Tất nhiên, Norman và Tog không chỉ chê bai mỗi Apple. Họ cũng chỉ trích Google Maps và Android vì những lỗi lầm tương tự, nhưng khi bạn là hãng smartphone lãi nhất thế giới, đang sở hữu con dế bán chạy nhất thế giới thì mức độ "hủy diệt" của sai lầm cũng nặng nề hơn nhiều.
T.C