Apple bị khởi kiện tập thể
Reuters cho hay, ít nhất ba vụ kiện tập thể đã được đệ trình lên toà án liên bang bởi những người sở hữu iPhone, cáo buộc Táo khuyết thổi phồng giá sản phẩm thông qua các hành vi phản cạnh tranh.
Các vụ kiện đại diện cho hàng triệu người dùng, củng cố thêm lập luận của Bộ Tư pháp về việc Apple đã vi phạm luật chống độc quyền bằng cách ngăn chặn công nghệ dành cho ứng dụng nhắn tin, ví kỹ thuật số và các dịch vụ khác có thể làm tăng tính cạnh tranh của thị trường điện thoại thông minh.
Apple hiện đang đối mặt với các vụ kiện cáo buộc hoạt động kinh doanh của công ty là phản cạnh tranh.
Trước đó, vào tháng 2, một thẩm phán tại Mỹ đã ra phán quyết Apple phải đối mặt với vụ kiện tập thể thay mặt cho hàng triệu người tiêu dùng, cũng với cáo buộc hãng này đang độc quyền thị trường ứng dụng iPhone.
Không chỉ tại Mỹ, Uỷ ban châu Âu vừa thông báo mở cuộc điều tra chính thức đối với "gã khổng lồ" sản xuất iPhone, ngoài ra còn có Google và Meta Platforms trong khuôn khổ đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA).
Trung Quốc cấm sử dụng chip Mỹ
Trung Quốc ban hành quy định cấm sử dụng chip Intel và AMD, cũng như hệ điều hành nước ngoài như Windows trong các máy tính cá nhân và máy chủ ở các cơ quan nhà nước.
Theo FT, yêu cầu này đã được Bộ tài chính và Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin (MIIT) công bố vào ngày 26/12 năm ngoái, nhưng các quan chức bắt đầu tuân theo các hướng dẫn mới về PC, máy tính xách tay và máy chủ trong năm nay.
Tháng 12/2023, Bộ Công nghiệp Trung Quốc ban hành ba danh sách riêng biệt dành cho CPU, hệ điều hành và cơ sở dữ liệu tập trung được đánh giá là “an toàn và đáng tin cậy”, có hiệu lực trong vòng ba năm sau ngày công bố. Reuters cho biết, tất cả các công ty trong danh sách đều của Trung Quốc.
Được biết, Bắc Kinh đã ra lệnh cho các cơ quan chính phủ và các cơ quan cho đến cấp thị trấn phải tuân theo các tiêu chí yêu cầu bộ xử lý và hệ điều hành “an toàn và đáng tin cậy” khi mua hàng.
Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Intel trong năm 2023, chiếm 27% trong tổng doanh thu 54 tỷ USD và 15% trong doanh thu 23 tỷ USD của AMD. Cả hai công ty chip Mỹ đều từ chối bình luận về quy định của Bắc Kinh.
Châu Âu điều tra đồng loạt Apple, Meta, Google
Ngày 25/3, Ủy ban châu Âu tuyên bố mở cuộc điều tra hành vi không tuân thủ Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA). Đạo luật có hiệu lực từ ngày 7/3, với một trong các mục tiêu là mở ra không gian cho những công ty nhỏ có thể cạnh tranh với các ông lớn một cách công bằng.
Theo đó, cơ quan thực thi cạnh tranh của EU sẽ điều tra những quy định của Alphabet trong điều hành Google Play và việc “tự ưu tiên” trên Google Search. Tương tự, Apple bị điều tra trong quản lý App Store và màn hình lựa chọn trên trình duyệt Safari, trong khi Meta sẽ phải giải trình về mô hình “trả tiền hoặc chấp nhận”.
Uỷ ban châu Âu cũng tiến hành các bước điều tra liên quan cơ cấu phí mới của Apple đối với các cửa hàng ứng dụng thay thế, cũng như cách thức xếp hạng của Amazon trên chợ trực tuyến.
Bộ ba gã khổng lồ công nghệ này là nhóm đầu tiên đối mặt với cuộc điều tra toàn diện về tuân thủ DMA - đạo luật được thiết kế nhằm ngăn chặn sự thống trị của những “nhà gác cổng kỹ thuật số”, chỉ các nền tảng trực tuyến lớn, vừa có hiệu lực thi hành từ đầu tháng này.
Theo quy định, doanh nghiệp có thể bị phạt số tiền bằng 10% doanh thu toàn cầu hàng năm của họ. Mức phạt có thể tăng lên 20% trong trường hợp vi phạm nhiều lần.
Hà Lan chi tỷ USD giữ chân ASML
Ngày 28/3, Reuters dẫn thông báo của Chính phủ Hà Lan rằng 2,5 tỷ euro (2,7 tỷ USD) sẽ được cho cho khu vực Eindhoven, nơi ASML đặt trụ sở, để cải thiện các vấn đề về nhà ở, giáo dục, giao thông và điện lưới.
Bộ trưởng Kinh tế Micky Adriaansens xác nhận đây là một phần trong "Chiến dịch Beethoven" nhằm làm giảm mối lo ngại của ASML về môi trường kinh doanh tại nước này.
Ngoài ra, Nội các Hà Lan cũng dự định giảm gánh nặng thuế cho các doanh nghiệp.
Hiện tại, theo nguồn tin nội bộ từ hãng thông tấn Hà Lan NOS, lực lượng đặc nhiệm sẽ phân bổ hơn 1 tỷ euro để phát triển Eindhoven, nơi đặt trụ sở chính của ASML.
ASML nắm giữ vị trí độc tôn trên toàn cầu khi là tập đoàn duy nhất có thể chế tạo ra máy in thạch bản EUV, dùng trong dây chuyền sản xuất chip tiên tiến.
Vị trí độc tôn trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu cũng đặt ASML vào giữa cuộc chiến chip đang diễn ra giữa Trung Quốc và Mỹ.
TikTok lại vướng rắc rối ở Mỹ
Nguồn tin ẩn danh của CNN tiết lộ Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FTC) đang điều tra TikTok về các thực hành dữ liệu và bảo mật.
Cuộc điều tra làm tăng thêm rắc rối cho TikTok, ứng dụng vốn đang đối mặt với nguy cơ bị cấm tại Mỹ nếu công ty mẹ ByteDance không thoái vốn.
Nguồn tin của CNN tiết lộ FTC điều tra TikTok vì cáo buộc vi phạm quy định Bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến của trẻ em.
Quy định yêu cầu các doanh nghiệp phải thông báo cho phụ huynh và xin phép trước khi thu thập dữ liệu của trẻ dưới 13 tuổi.
Cơ quan này cũng đang điều tra xem TikTok có vi phạm một phần của đạo luật cấm hành vi kinh doanh “không công bằng hoặc lừa đảo” hay không khi TikTok phủ nhận việc dữ liệu người dùng có thể bị cá nhân ở Trung Quốc truy cập.
FTC có thể đâm đơn kiện TikTok hoặc dàn xếp trong vài tuần tới, theo nguồn tin.