Chủ tịch nước thiết tha kêu gọi sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp cũng như sự ủng hộ, giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân cả nước để các thành viên APEC và bạn bè quốc tế cảm nhận sâu sắc về một nước Việt Nam hòa bình, ổn định, phát triển đầy năng động, con người Việt Nam giàu tình nghĩa, nhân văn và mến khách.

Tại phiên bế mạc hội nghị APEC 2016, khi phát biểu nhân việc Việt Nam đảm nhận vai trò là nước chủ nhà năm APEC 2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, đăng cai tổ chức hội nghị chủ đề "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung" là trọng tâm đối ngoại của Việt Nam, thể hiện mong muốn của Việt Nam trong việc đóng góp tích cực vào tiến trình APEC, góp phần đưa châu Á-Thái Bình Dương ngày càng phát triển, thịnh vượng.

Chủ tịch nước cho biết, hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 24 tại Peru đã kết thúc tốt đẹp, trong đó Việt Nam đã có nhiều đóng góp xứng đáng với vai trò là nước chủ nhà Năm APEC 2017. Các thành viên APEC đều khẳng định tiếp tục ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để Năm APEC 2017 thành công.

{keywords}

Lãnh đạo 21 nền kinh tế APEC tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 24 diễn ra ở Lima, Peru. Ảnh: Reuters

Việc đảm nhận vai trò chủ nhà Năm APEC 2017 thể hiện sự tín nhiệm cao của cộng đồng quốc tế, đồng thời khẳng định Tầm nhìn chiến lược của Việt Nam về tương lai châu Á - Thái Bình Dương. Đây là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm lớn lao của Việt Nam trong việc cùng các nền kinh tế thành viên nỗ lực làm cho Năm APEC 2017 ghi đậm dấu ấn của tiến trình phát triển không ngừng của Diễn đàn APEC, thúc đẩy xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực và trên thế giới.

Chủ tịch nước khẳng định, trong một thế giới toàn cầu hóa đầy biến động, châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là một khu vực phát triển năng động, có vị trí địa kinh tế, chính trị ngày càng quan trọng trên thế giới. Là một nước nằm trên bờ Tây Thái Bình Dương, sự phát triển của Việt Nam hiện nay cũng như trong tương lai gắn bó mật thiết với khu vực rộng lớn, đầy tiềm năng này.

Cũng chính vì lẽ đó, mà 18 năm trước đây, năm 1998, Việt Nam đã gia nhập APEC - Diễn đàn ngày nay đại diện cho 39% dân số thế giới, đóng góp 57% GDP và 49% thương mại toàn cầu. Đây là nơi hội tụ của hầu hết các đối tác quan trọng của Việt Nam về hợp tác phát triển, thương mại, đầu tư cũng như trên nhiều lĩnh vực khác. Năm 2006, Việt Nam  đã đảm nhận rất thành công vai trò nước chủ nhà của APEC, được các thành viên và bạn bè quốc tế đánh giá cao.

“Năm APEC 2017, với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, chúng ta sẽ làm hết sức mình để cùng các thành viên thúc đẩy mạnh mẽ việc hoàn thành các Mục tiêu Bô-go về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020; chung tay xây dựng tầm nhìn liên kết khu vực trong giai đoạn phát triển mới. Đây là nền tảng quan trọng để cùng tạo dựng quan hệ Đối tác châu Á - Thái Bình Dương vì phát triển bền vững và bao trùm trong thế kỷ 21.

Cùng với đó, Năm APEC 2017 cần chuyển thành cơ hội thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội lần thứ XII của Đảng đã đề ra, tiếp tục đẩy mạnh đồng bộ, toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế.

Với các hoạt động phong phú, đa dạng của APEC được tổ chức trên phạm vi cả nước, chúng ta sẽ có thêm cơ hội quý báu để nâng cao năng lực hội nhập của các địa phương và doanh nghiệp, góp phần quảng bá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng miền”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu.

Chủ tịch nước thiết tha kêu gọi sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp cũng như sự ủng hộ, giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân cả nước để các thành viên APEC và bạn bè quốc tế cảm nhận sâu sắc về một nước Việt Nam hòa bình, ổn định, phát triển đầy năng động, con người Việt Nam giàu tình nghĩa, nhân văn và mến khách.

Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 24 đã thành công tốt đẹp, thông qua Tuyên bố của các nhà lãnh đạo APEC với 2 văn kiện kèm theo gồm “Tuyên bố Lima về Khu vực Thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương” và “Lộ trình về năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ”. 

Tối 20/11 theo giờ địa phương (sáng 21/11 giờ Hà Nội), Chủ tịch nước và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Lima, Peru, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Tuần lễ Cấp cao lần thứ 24 của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) từ ngày 17-20/11/2016.

Minh Tâm