Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trả lời phóng vấn báo giới nhân việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương APEC 2017. Ông khẳng định, việc tổ chức Năm APEC 2017 cần thể hiện tầm nhìn chiến lược của Việt Nam về châu Á-Thái Bình Dương đang chuyển biến mạnh mẽ.
“Việc đăng cai tổ chức Năm APEC 2017 là một ưu tiên của đối ngoại Việt Nam nhằm triển khai hội nhập quốc tế sâu rộng và nâng tầm đối ngoại đa phương. Với vai trò chủ nhà, năm nay chúng ta tham dự Tuần lễ cấp cao APEC ở Pê-ru với một vị thế đặc biệt. Qua trao đổi tại các Hội nghị cũng như trong các cuộc tiếp xúc song phương, có thể cảm nhận rõ sự quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ và cả kỳ vọng của các thành viên cũng như cộng đồng doanh nghiệp đối với Năm APEC 2017 ở Việt Nam”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo ông, các thành viên hoàn toàn nhất trí với đề xuất của Việt Nam về chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, hướng ưu tiên cũng như kế hoạch tổ chức các hoạt động trong cả năm. Điều này phản ánh kỳ vọng chung của các thành viên cùng nỗ lực để Năm 2017 sẽ tạo động lực mới giúp APEC lấy lại đà tăng trưởng kinh tế và thương mại, mở rộng hợp tác sang những lĩnh vực mới, và làm sâu rộng hơn liên kết khu vực, đáp ứng nhu cầu phát triển mới của các thành viên.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. |
Thứ hai là cùng xây dựng tầm nhìn cho APEC sau năm 2020, nâng cao vị thế của Diễn đàn, qua đó góp phần “vun đắp tương lai chung” là xây dựng cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng. Thứ ba là nhiều thành viên mong muốn tăng cường và nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác với Việt Nam. Niềm tin đó có được là nhờ thế và lực mới của Việt Nam sau 30 năm Đổi mới cũng như những đóng góp tích cực của nước ta trong APEC thời gian qua. Bạn bè cũng đánh giá cao bản lĩnh đối ngoại độc lập, tự chủ và những thành công mang đậm dấu ấn Việt Nam khi lần đầu tiên nước ta đăng cai Năm APEC 2006.
Phó Thủ tướng nêu rõ, trước những chuyển biến sâu sắc trên thế giới và xu thế liên kết ở khu vực và trong APEC ngày càng sâu rộng, việc tổ chức Năm APEC 2017 cần thể hiện tầm nhìn chiến lược của Việt Nam về châu Á – Thái Bình Dương đang chuyển biến mạnh mẽ và sự trưởng thành của đối ngoại đa phương nước ta. Điều này đòi hỏi các Bộ, ngành phải chuyển mạnh sang tư duy chủ động đóng góp, tích cực tham gia đề xuất, khởi xướng ý tưởng. Các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu, các cơ quan truyền thông và người dân tích cực tham gia, đóng góp vào quá trình chuẩn bị và tổ chức các hoạt động APEC, qua đó quảng bá rộng rãi hình ảnh Việt Nam thân thiện, đổi mới, phát triển năng động và tích cực hội nhập quốc tế.
Hội nghị cấp cao APEC năm nay được tổ chức tại Lima, Peru , từ ngày 17 - 20/11. Chủ tịch nước Trần Đại Quang dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự hội nghị này. Với chủ đề “Tăng trưởng chất lượng và Phát triển con người”, năm APEC Peru 2016 tập trung thúc đẩy bốn ưu tiên chính: Liên kết kinh tế khu vực và tăng trưởng chất lượng; Thị trường lương thực khu vực; Hiện đại hóa doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; Phát triển nguồn nhân lực.
Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 25 (2017) dự kiến diễn ra tháng 11 tại thành phố Đà Nẵng với chủ đề "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung". Đây là sự kiện trọng tâm đối ngoại của Việt Nam, thể hiện mong muốn của Việt Nam trong việc đóng góp tích cực vào tiến trình APEC, góp phần đưa châu Á-Thái Bình Dương ngày càng phát triển, thịnh vượng.
Tại hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 24 ở Peru, Việt Nam đã có nhiều đóng góp xứng đáng với vai trò là nước chủ nhà Năm APEC 2017. Các thành viên APEC đều khẳng định tiếp tục ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để Năm APEC 2017 thành công.
Minh Tâm