Nhớ lại đầu nhiệm kỳ khóa 13, ông Hà Sỹ Đồng cho biết, trong nhiều phát biểu của mình khi ấy đã nêu lên rất nhiều nỗi niềm lo lắng của cử tri gửi gắm. Đó là tình trạng nợ đọng văn bản; ách tắc trong đầu tư công; hệ thống ngân hàng, nợ xấu, cạnh tranh không lành mạnh làm náo loạn thị trường tiền tệ, lãi suất quá cao, DN khó tiếp cận; bong bóng bất động sản…
“Đến cuối nhiệm kỳ, tôi thấy hài lòng khi những kiến nghị đó đã có chuyển biến rất mạnh mẽ”, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Trị dẫn chứng lãi suất đầu nhiệm kỳ khóa 13 có thời điểm lên 20% nhưng cuối nhiệm kỳ hạ nhiệt còn 10%...
Theo ông, những điều đó làm cho cử tri yên tâm, tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Quảng Trị phát biểu tại Quốc hội khóa 14 |
Ở góc độ là ĐBQH Quảng Trị, ông Đồng cùng với đoàn ĐBQH của tỉnh đã tranh thủ, tổng hợp những kiến nghị chính đáng để chuyển tải đến nghị trường những vấn đề tồn đọng về chính sách, trong đó có chính sách với người có công, BHXH, nạn nhân chất độc màu gia cam, người nghèo; từ đó thúc đẩy các cơ quan chức năng quan tâm, tháo gỡ.
Ngoài những chủ trương chính sách chung của nhà nước, bằng các kênh hỗ trợ, đoàn ĐBQH của tỉnh đã vận động tương đối hiệu quả nguồn lực để giúp những người dân còn khó khăn các dịp lễ tết, thiên tai, bão lũ, dịch bệnh.
“Với trách nhiệm của người đại biểu dân cử, chúng tôi thấy đó là niềm tự hào và vinh dự trước cử tri”, ĐB Hà Sỹ Đồng chia sẻ.
Xuất phát từ trách nhiệm với cử tri
Vậy còn điều gì khiến ông trăn trở như là món nợ với cử tri chưa thể trả và mong muốn tiếp tục theo đuổi trong nhiệm kỳ tới?
Khi làm ĐBQH khóa 13, 14, tôi đã có chương trình hành động thể hiện trách nhiệm, lời hứa trước cử tri tỉnh Quảng Trị và cả nước. Tôi rất vinh dự khi được cử tri tín nhiệm để được góp phần trong công tác lập pháp cũng như giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước trong 2 khóa vừa qua.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong 2 nhiệm kỳ qua, tôi thấy vẫn còn tồn đọng một số vấn đề các cơ quan chức năng chưa giải quyết được. Có một số vụ án kêu oan sai nhưng chưa giải quyết được rốt ráo và người dân, DN vẫn đang còn trông chờ vào Quốc hội khóa mới.
Một vấn đề nữa tôi đặc biệt quan tâm là chính sách dành cho nạn nhân chất độc da cam đang còn là nỗi đau nhức nhối. Với trách nhiệm là ĐBQH, nếu được tái cử, tôi sẽ tiếp tục kiến nghị các cấp, các ngành quan tâm, ban hành bằng được chính sách này.
Ngoài ra, tôi thấy pháp lệnh Người có công hiện nay đã quá cũ, không còn phù hợp nữa. Vì vậy, tôi cũng mong nhiệm kỳ mới, Quốc hội sẽ tiếp tục sửa đổi, bổ sung pháp lệnh này cho phù hợp. Hiện còn tồn đọng rất nhiều hồ sơ của người có công mà họ chưa được hưởng chế độ.
Ngoài ra, tôi cũng mong rằng trong nhiệm kỳ này, Quốc hội, Chính phủ có những ưu tiên hơn với các chương trình mục tiêu quốc gia để xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí, rút ngắn khoảng cách, không để ai bị bỏ lại phía sau trong thời gian tới.
Tại kỳ họp thứ 10 vừa rồi, cử tri miền Trung thật sự xúc động với phát biểu “nhường cơm, xẻ áo" của ông khi ông để nghị “Chính phủ tiết kiệm chi tiêu, thậm chí là cắt phụ cấp của của các cấp, các ngành, kể cả ĐBQH để dồn nguồn lực cho ứng phó với thiên tai, giúp đỡ nhân dân ổn định cuộc sống”. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
Vào thời điểm tháng 10/2020, biến đổi khí hậu, thiên tai vô cùng ác liệt, dữ dội ở miền Trung, trong đó có Quảng Trị. Tôi trực tiếp có mặt trong đoàn công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, chứng kiến cảnh hàng trăm ngôi nhà bị sập, hàng vạn ha lúa, cây hoa màu, con giống bị cuốn trôi. Có những người dân trong phút chốc trắng tay, mất người, mất của.
Trong giai đoạn đó, cả hệ thống chính trị, MTTQ, doanh nghiệp, người dân bằng tấm lòng hảo tâm đã thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái chia sẻ với đồng bào miền Trung.
Nhưng thú thật, sự hỗ trợ đó cũng mới giải quyết được vấn đề trước mắt, còn thực chất người dân vẫn còn rất khó khăn, phải di dời, tái định cư ở những vùng có nguy cơ sạt lở về lâu dài.
Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng thăm hỏi người dân tỉnh Quảng Trị trong đợt lũ lụt năm 2020 |
Vì biến đổi khí hậu nên phải tái cơ cấu lại sản xuất sau thiên tai, thay đổi những tập quán sản xuất truyền thống bằng phương thức sản xuất mới, có những vùng khắc nghiệt phải thay đổi giống cây trồng, vật nuôi… Nhưng muốn làm được điều đó để nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân thì phải huy động nhiều nguồn lực.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong bộ máy nhà nước cũng phải thể hiện, không phải trong từng đợt phát động bỏ ra một ít mà phải thể hiện sự quyết tâm, vào cuộc để làm gương cho các thành phần khác cùng tham gia.
Nhưng như vậy là ông đang đề xuất cắt đi một phần lợi ích của chính mình?
Tôi nghĩ rằng, trong một thời điểm khó khăn, tinh thần cả nước, toàn xã hội đang hướng về miền Trung, hướng về những người màn trời chiếu đất, hướng về những người thực sự khó khăn trong một giai đoạn nhất định chứ không phải cắt cả đời.
Cắt 1 năm, 2 năm, đối với cán bộ, công chức, ĐBQH, đó là một hành động đẹp, nhân văn để thể hiện sự quyết tâm của cán bộ, đảng viên đi trước.
Là đại biểu ở địa phương nói lên tiếng nói của cử tri đôi khi sẽ “động chạm” đến bộ ngành ở trung ương. Ông không sợ điều đó làm ông “mất phiếu” với Trung ương sao?
Tôi phát biểu hay chất vấn trước Quốc hội là xuất phát từ trách nhiệm với cử tri, với Quốc hội. Và mỗi lần đăng đàn, tôi đều nghiên cứu các báo cáo của Chính phủ, của các cơ quan của Chính phủ, tổng hợp từ các kiến nghị khi tiếp xúc cử tri cũng như phản ánh của cử tri và thông tin trên báo chí một cách có chọn lọc.
Có những nội dung chúng tôi đối thoại với cử tri, có những vấn đề chúng tôi tổng hợp bằng văn bản của đoàn ĐBQH để kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan. Có những vấn đề kiến nghị rồi nhưng vẫn chưa được giải quyết thì chúng tôi tiến hành chất vấn tại hội trường để thể hiện trách nhiệm với cử tri.
Những gì tôi phát biểu là “nói có sách mách có chứng”, không phải là những lời chỉ trích hay nói suông cho hay mà không sát thực tiễn cuộc sống, nguyện vọng của cử tri.
Đó là những vấn đề từ thực tiễn cuộc sống đã được đặt ra nhưng bị lãng quên, bị bỏ ngỏ, tôi chất vấn có tính xây dựng để làm sao các cơ quan hữu quan, người đứng đầu bộ ngành Trung ương có trách nhiệm với cử tri trong thời gian tới.
Xây dựng Quảng Trị có những vùng quê đáng sống
Ông vừa làm Phó chủ tịch tỉnh, vừa làm ĐBQH, vừa là trụ cột trong gia đình. Kinh nghiệm nào đã giúp ông làm tròn 3 vai?
Là Phó chủ tịch thường trực của tỉnh phụ trách kinh tế ngành, tôi phụ trách rất nhiều mảng, nhiều lĩnh vực: đất đai, cây con giống, thiên tai, dịch bệnh, vấn đề biên giới, biển Đông, hải đảo, vấn đề tiểu thủ công nghiệp; nông nghiệp, nông dân, nông thôn…
Tuy nhiên khi làm ĐBQH kiêm nhiệm thì đòi hỏi tôi phải sắp xếp lịch công việc cho hợp lý. Những vấn đề nóng thì giải quyết trước, phải có sự phân công cho các sở ban ngành, địa phương, các thành viên của UBND tỉnh để vào cuộc đồng bộ, nhịp nhàng.
Điều đó đòi hỏi tôi và lãnh đạo tỉnh phải sắp xếp khoa học, hợp lý và có đôn đốc theo dõi, kiểm tra, giám sát lẫn nhau, nhắc nhở lẫn nhau để làm sao công việc được tốt.
Còn khi tham gia ứng cử vào ĐBQH, tôi xác định Quốc hội có một bộ máy với nhiều thành phần cơ cấu, đầy đủ sắc màu để truyền tải bức tranh toàn cảnh của cả nước. Từ đó hội tụ những tinh hoa, đưa thực tiễn cuộc sống vào trong công tác lập pháp cũng như giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Ông Hà Sỹ Đồng thăm hỏi đời sống các chiến sỹ Bộ đội biên phòng đang làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 |
Công việc chính của người cán bộ, đảng viên chúng tôi là phải sắp xếp và có sự cân nhắc, tính toán khoa học để làm tròn vai.
Với gia đình, tôi cũng phải tận dụng thứ 7, chủ nhật để chăm lo việc gia đình, con cái. Tôi có thuận lợi là con cái đã trưởng thành hết rồi nên có điều kiện để làm tốt vai trò của ĐBQH.
Tôi mong rằng với những gì đã tích lũy trong quá trình công tác, lãnh đạo ở địa phương, cũng như tham gia 2 khóa ở Quốc hội, tôi sẽ tiếp tục nhận được sự tín nhiệm của cử tri cho nhiệm kỳ tới để có cơ hội đóng góp công sức nhỏ bé của mình, tiếp tục hoàn thành ý nguyện của cử tri, giải tỏa những khó khăn, tồn tại hạn chế mà lâu nay cử tri hằng mong đợi.
Người ta nói “gừng càng già càng cay”, nếu tiếp tục được ứng cử ĐBQH, chương trình hành động của ông lần này có gì khác biệt so với 2 lần trước?
Chương trình mỗi khóa có mỗi đặc thù riêng ứng từng giai đoạn nhưng đã là đại biểu của dân thì trước hết hành động của mình phải vì dân, trách nhiệm trước cử tri.
Vì vậy, tôi sẽ tập trung vào việc tháo gỡ những tồn tại, hạn chế, bức xúc về thể chế, chính sách, trong đó ưu tiên nhất là chính sách người có công, người nghèo, đào tạo nguồn nhân lực…
Để làm được những điều này, ngoài sự hỗ trợ của Trung ương, sự tự vươn lên của địa phương mình, người dân mình cũng là một điều rất quan trọng.
Vì vậy, tôi cũng mong rằng mỗi người dân trước hết tự khẳng định mình chứ không chỉ chờ vào Nhà nước. Có như vậy mới phát huy được nội lực, tận dụng tối đa những nguồn lực, dư địa mà địa phương mình có, xã mình có, thôn mình có.
Bên cảnh đó, tôi sẽ cố gắng tranh thủ mọi nguồn lực bên ngoài để làm sao khơi dậy khát vọng, xây dựng thành công tỉnh Quảng Trị 100% xã phải về đích nông thôn mới và có những vùng quê đáng sống, có những vùng nông thôn mới kiểu mẫu.
Hiện ông là Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, ủy viên Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội khóa 14.
Ông Hà Sỹ Đồng ứng cử tại đơn vị bầu cử số 2 tỉnh Quảng Trị (gồm huyện Triệu Phong, huyện Hải Lăng, huyện Cam Lộ, TP Đông Hà và thị xã Quảng Trị).
Thu Hằng
Trăn trở của vị tướng biên phòng khi về với vùng đất An Giang
"Thật may mắn cho tôi khi được Hội đồng bầu cử quốc gia phân bổ về ứng cử ĐBQH tại tỉnh An Giang", Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến nói.