Bên cạnh những điểm tiến bộ đáng ghi nhận, dự thảo sửa đổi Thông tư 43 của NHNN cũng gây tranh cãi với quy định mức trần 30% cho vay tiền mặt trong tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, đồng thời yêu cầu các công ty tài chính chỉ cho vay tiền mặt đối với các khách hàng cũ.

Theo Dự thảo sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính (CTTC) do Ngân hàng Nhà nước soạn thảo, các CTTC sẽ chỉ được cho vay tiền mặt tối đa 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, đồng thời chỉ được cho vay tiền mặt đối với các khách hàng cũ có lịch sử trả nợ tốt của chính công ty đó.

Cơ quan soạn thảo lý giải do việc cho vay tiền mặt trực tiếp đối với khách hàng có rủi ro cao, khó kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay, vì vậy đã đặt ra quy định này nhằm đảm bảo cho vay tiêu dùng phát triển bền vững, lành mạnh, hiệu quả.

{keywords}
 

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, dù mục tiêu của dự thảo là rất tốt nhưng trong nền kinh tế thị trường, cơ quan nhà nước nên để cho CTTC tự điều chỉnh và quyết định việc chọn khách hàng. Bởi họ mới chính là người trực tiếp chịu rủi ro nếu không xét tới nhu cầu, khả năng trả nợ của khách hàng trước khi giải ngân.

“Ví dụ khách hàng cần vay một số tiền để thanh toán viện phí nhưng do tổ chức tín dụng, CTTC bị khống chế mức trần 30% nên không thể giải ngân được tiền mặt thì có thể sẽ gián tiếp đẩy họ phải đi vay “tín dụng đen” để phục vụ cho nhu cầu nóng. Chính vì thế, việc giới hạn giải ngân về tiền mặt sẽ không thể hỗ trợ giải quyết “tín dụng đen” như chúng ta đang kỳ vọng”.

Thực tế cũng cho thấy, các sản phẩm cho vay tiêu dùng rất đa dạng, đáp ứng linh hoạt các nhu cầu tiêu dùng của khách hàng như: đóng học phí, du lịch, cưới hỏi, sửa chữa nhà cửa, trang trải các chi phí cho sinh hoạt gia đình hoặc các dịp lễ, tết, kỷ niệm… Đây là những khoản các CTTC giải ngân trực tiếp của khách hàng để chủ động thanh toán các khoản tiêu dùng theo kế hoạch của cá nhân và gia đình cho phù hợp và kịp thời.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cũng cho rằng chủ trương quản lý thị trường cho vay tiêu dùng của NHNN là đúng, nhưng cần cân nhắc lại tỷ trọng giải ngân tiền mặt ở mức hợp lý.

“Tại sao lại là 30%? Cơ quan quản lý đã khảo sát các CTTC hay chưa? Việc đặt ra trần hạn mức giải ngân tiền mặt cần được đưa ra dựa trên khảo sát, tính toán cụ thể và đánh giá thực trạng của các CTTC chứ không thể là một con số cảm tính. Hạn mức này không nhất thiết là 30% mà có thể cao hơn hoặc phù hợp hơn”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

{keywords}
Tiến sĩ Cấn Văn Lực

Cũng theo Tiến sĩ Lực, nếu có thể đưa ra một con số phù hợp thì quy định hạn mức cho vay tiền mặt sẽ đạt được cả 2 mục tiêu là vừa quản lý rủi ro, đồng thời đảm bảo khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, đặc biệt là tín dụng nhỏ, một cách hiệu quả và triệt để.

Nhưng hệ lụy của việc giới hạn giải ngân về tiền mặt với các CTTC cũng nhìn thấy rất rõ đó là giảm khả năng tiếp cận nguồn vốn vay hợp pháp của một số lượng lớn người tiêu dùng chân chính, đặc biệt là khách hàng ở các cùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đây chính là những đối tượng khách hàng vốn đã “e ngại” tiếp cận những dịch vụ tài chính chính thống bởi sự phức tạp của thủ tục vay vốn, điều kiện vay vốn... trong khi nhu cầu về vốn là rất lớn. Vô hình chung lại đẩy đối tượng khách hàng này tìm đến tiếp cận nguồn vốn phi chính thức hay còn gọi là “tín dụng đen”.

Ông Lực cũng cho rằng, việc khảo sát không phải là quá khó khăn vì thị trường hiện chỉ có 16 CTTC trong đó có 12 công ty đang thực sự có hoạt động cho vay tiêu dùng. Sau khi đưa ra quy định cũng cần lộ trình thực hiện phù hợp.

Về quy định việc chỉ cho khách hàng cũ (tức là khách hàng đã có hoặc đang có khoản vay trả góp mua sản phẩm tại CTTC và lịch sử trả nợ tốt) mới được cho vay tiền mặt, ông Lực cho rằng về lâu dài, việc làm này nên để các CTTC tự quyết định.

“Thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn mới phát triển nên việc đặt ra quy định quản lý, kiểm soát rủi ro, giúp lành mạnh hóa là cần thiết. Tuy nhiên, việc kiểm soát bằng mệnh lệnh hành chính chỉ nên thực hiện trong ngắn hạn. Còn về lâu dài, khi thị trường phát triển ở mức độ cao hơn, minh bạch hơn, số hóa thông tin tốt hơn,…. thì nên trao quyền quyết định lại cho thị trường.”

 Mai Son