Từ đầu năm 2023, tỉnh Tây Ninh đã áp dụng nhiều mô hình hay, cách làm mới, hiệu quả như lồng ghép nội dung tuyên truyền pháp luật ở các trường học, các địa phương; thành lập nhóm Zalo quản lý đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật trên toàn tỉnh; mô hình “Cựu chiến binh phối hợp tham gia bảo vệ cột mốc biên giới”, “Chi hội Cựu chiến binh 4 không”, “Mô hình 2+1”...
Một trong những cách làm mới để đổi mới và nâng cao hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong tỉnh đó là phân loại từng đối tượng để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho phù hợp.
Ví dụ như đối với học sinh, thanh thiếu niên thì tập trung tuyên truyền pháp luật về phòng chống ma tuý, bạo lực học đường, an toàn giao thông, nạn tảo hôn,...
Đối với phụ nữ và trẻ em thì tập trung tuyên truyền pháp luật về Luật Hôn nhân và gia đình, nạn xâm hại tình dục bằng cách thông tin về tình hình thực tế của vấn nạn xâm hại tình dục, quy định của pháp luật về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em; từ đó hướng dẫn các kỹ năng cơ bản giúp các em nhận biết, ứng phó tự bảo vệ bản thân, người xung quanh khỏi bị xâm hại nhằm khởi dậy sự tự tin, chia sẻ, tinh thần học hỏi và tiếp cận thông tin của thanh thiếu niên về phòng tránh xâm hại tình dục...
Đối với các công nhân lao động, sẽ tập trung tuyên truyền pháp luật về nhận thức pháp luật cho các công nhân và người lao động, quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về vấn đề tiền lương, giờ làm việc, nghỉ ngơi, vấn đề bảo hiểm, tuyên truyền về tai nạn giao thông; phòng, chống tín dụng đen cho công nhân….
Mới đây, tại Trung tâm Văn hóa thể thao- Học tập cộng đồng xã Chà Là, Huyện Đoàn Dương Minh Châu đã tổ chức buổi tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông, trong đó đặc biệt là chú trọng hướng dẫn các kiến thức và kỹ năng lái xe an toàn cho đoàn viên, thanh niên.
Tại đây, bên cạnh việc nghe thông tin về tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn trong thời gian qua, gần 200 đoàn viên, thanh niên và nhân dân địa phương còn được các hướng dẫn viên trực tiếp hướng dẫn những kiến thức về lái xe an toàn từ thực tế; trực tiếp thực hành các kỹ năng lái xe an toàn khi đang tham gia giao thông; tham gia trả lời các câu hỏi về an toàn giao thông; làm các bài kiểm tra về kiến thức an toàn giao thông….
Thông qua buổi tuyên truyền mà trực tiếp là việc hướng dẫn các kỹ năng lái xe an toàn, đúng quy định, nhiều đoàn viên thanh niên và người dân trong huyện nắm bắt nhanh chóng các tình huống thực tế cũng như quy định của Luật An toàn giao thông để từ đó áp dụng, thực hiện đúng theo quy định.
Nhằm đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, phường Long Thành Trung (thị xã Hoà Thành) đã thành lập câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”.
Theo đó, định kỳ hàng quý tại các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, các hội viên và người dân trong phường lại được cán bộ Tư pháp - Hộ tịch phường thông tin về chính sách và quy định của pháp luật; giới thiệu một số luật như Bộ Luật Dân sự liên quan đến việc bồi thường thiệt hại, Bộ Luật Hình sự liên quan các tội xâm phạm về trật tự xã hội; Luật xử lý vi phạm hành chính; pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường;....
Qua các buổi sinh hoạt định kỳ, câu lạc bộ đã cũng cấp khối lượng thông tin về chính sách và pháp luật, giúp các hội viên và người dân chủ động tiếp cận các chính sách, quy định của pháp luật từ đó chấp hành tốt pháp luật.
Sở Tư pháp tỉnh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, phòng Tư pháp huyện, thị xã, thành phố và UBND cấp xã phối hợp cùng với các ngành, đoàn thể cùng cấp tổ chức trong tỉnh đã tuyên truyền được hơn 2.500 cuộc với trên 82.000 lượt người tham gia, đặc biệt tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh được 4.820 giờ.
Thời gian qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng được triển khai phong phú, đa dạng, được đổi mới với các mô hình hay, cách làm sáng tạo đã đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác tuyên truyền, đổi mới giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh.