PGS.TS Huỳnh Phú ở Viện Môi trường và Kinh tế tuần hoàn Miền Nam (ICERES) cho biết, ICERES vừa tiến hành nghiên cứu khảo sát về thực trạng rác thải nhựa tại TP.HCM cùng các tỉnh miền Đông Nam Bộ, tạo cơ sở để có thể đề xuất giải pháp phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với nguy cơ sự cố rác thải nhựa.
Kết quả khảo sát cho thấy, mỗi cư dân tại tại TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ gần như đều có sở hữu sản phẩm nhựa, thường là chai lọ, văn phòng phẩm, ốp điện thoại, hộp dựng thực phẩm, túi nilon, ly nhựa, chén nhựa, nội thất nhựa,…
Thời gian lưu trữ và thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa cũng rất khác nhau. Các chai lọ đựng xà phòng, chất tẩy rửa, văn phòng phẩm, các vật dụng (ốp điện thoại nhựa)… thường được lưu trữ trong khoảng hơn 6 tháng; Vật dụng trang trí nhà cửa, nội thất nhựa… lưu trữ khoảng 1 năm; Còn sản phẩm nhựa đựng thực phẩm, túi nilon, ly tách nhựa… thì lưu trữ dưới 10 ngày.
ICERES cũng đã khảo sát thói quen của người dân về sản phẩm nhựa không còn được sử dụng. Kết quả như sau: Tỷ lệ rất thường xuyên tái sử dụng lại vật dụng và sản phẩm nhựa khá thấp, chỉ chiếm khoảng 10%; Tỷ lệ nhóm hộ gia đình có thói quen bán phế liệu chiếm 33%; Mức độ vứt bỏ và không bao giờ tái sử dụng sản phẩm nhựa chiếm 57%.
Rác thải nhựa trong sinh hoạt của các cư dân trong khu vực nghiên cứu phần lớn là loại nhựa PP, PE và PVC - đều có khả năng trở thành nguồn nguyên liệu đầu vào cho các quá trình sản xuất các sản phẩm tái chế. Riêng PE chiếm hơn 50%.
Một trong những giải pháp hạn chế rác thải nhựa tại TP.HCM đã được tính tới là áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Theo đó, một mặt hạn chế và từ bỏ các các sản phẩm nhựa ngày càng cao trong cộng đồng dân cư; mặt khác tái sử dụng các loại sản phẩm nhựa cho nhiều mục đích khác nhau. Với các nhà máy sản xuất có liên quan lĩnh vực nhựa tại TP.HCM và các tỉnh lân cận, cần thúc đẩy chuyển hóa từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn cho nhựa, trong đó, nhựa không bao giờ trở thành rác thải hay chất ô nhiễm.
Tuy nhiên, khi áp dụng nền kinh tế tuần hoàn ngành nhựa cho TP.HCM cùng các tỉnh lân cận nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, bên cạnh những cơ hội, điều kiện thuận lợi, thì vẫn còn không ít khó khăn, thách thức.
PGS.TS Huỳnh Phú nêu một số cơ hội như: Mô hình kinh tế tuần hoàn làm giảm thiểu ô nhiễm, hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, nhận được sự đồng thuận của toàn xã hội; Xu hướng sử dụng nhựa sinh học và nhựa tái chế tăng; Lượng rác có thể tái chế nhiều; Có nhiều làng nghề, cơ sở tái chế; Thị trường tái chế với năng lực nhân công đông đảo…
Đồng thời, PGS.TS Huỳnh Phú cũng lưu ý một số, khó khăn, thách thức như: Cơ chế, chính sách chưa đồng bộ đầy đủ về kinh tế tuần hoàn, đặc biệt thiếu các chính sách hỗ trợ về kinh tế tuần hoàn; Việc tuyên truyền coi chất thải nhựa là một loại tài nguyên chưa được thực hiện nhiều; Các sản phẩm từ nhựa tái chế không thể so sánh với các sản phẩm từ nguyên liệu mới; Công nghệ tái chế lạc hậu; Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở tái chế khó khăn trong việc đầu tư vốn thay đổi công nghệ tái chế; Hạn chế về nhận thức của người dân về việc phân loại thu gom rác thải…
“Ngành nhựa là ngành phát triển nhanh và mạnh cả trong hiện tại và tương lai, tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ lợi ích, nhu cầu xã hội. Tiềm năng áp dụng thành công kinh tế tuần hoàn trong ngành nhựa là rất lớn. Chuyển sang cơ cấu kinh tế tuần hoàn được coi là con đường hứa hẹn nhất để sử dụng nhựa hay giảm phát sinh rác thải nhựa. Thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn chính là việc chuyển đổi phù hợp mà TP.HCM cùng các tỉnh lân cận đang hướng tới vì mục tiêu phát triển bền vững không chỉ với ngành nhựa mà với tất cả các ngành kinh tế trong khu vực hiện nay”, PGS.TS Huỳnh Phú nhận định.