Xây Chính phủ điện tử - liên thông dữ liệu là vấn đề bức thiết

Hôm nay, ngày 17/12/2015, Ngày CNTT Việt Nam (IT Day) 2015 đã chính thức diễn ra tại Hà nội với chủ đề “Chuẩn trao đổi thông tin số cho một xã hội thông minh” thu hút gần 200 đại biểu là lãnh đạo cao cấp, quản lý CNTT các Bộ, ban,  ngành và doanh nghiệp.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng khẳng định, liên thông dữ liệu và chia sẻ thông tin là vấn đề bức thiết hiện nay để phát triển Chính phủ điện tử cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia.

“Việc kết nối, chia sẻ giữa hệ thống thông tin của Chính phủ với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp; giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác chỉ được thực hiện khi hệ thống các chuẩn kết nối, trao đổi cũng như hệ thống cấp mã định danh thống nhất và duy nhất trên cả nước. Dữ liệu không được chia sẻ sẽ không mang lại hiệu quả, lãng phí tiền đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu”, Thứ trưởng cho biết.

Để giải quyết vấn đề kết nối, liên thông trong Chính phủ điện tử, Bộ TT&TT đã ban hành Khung kiến Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 1. Đồng thời, Bộ đặc biệt chú trọng công tác nghiên cứu, xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn nhằm bảo đảm sự phát triển thống nhất, đồng bộ theo một kiến trúc quy hoạch tổng thể CNTT-TT quốc gia.

Đối với chuẩn trao đổi thông tin, Bộ TT&TT đã triển khai thực hiện dự án “Xây dựng hệ thống chuẩn thông tin số và chuẩn trao đổi thông tin”. Theo đó, nghiên cứu, đề xuất 9 quy chuẩn kỹ thuật và 117 tiêu chuẩn kỹ thuật về phần mềm, nội dung thông tin số, chuẩn hóa trang thông tin điện tử, chuẩn hóa dữ liệu và trao đổi thông tin.

Theo nhận định của Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, thực tế triển khai cho thấy hệ thống hành chính nhà nước của ta có điểm đặc thù, được chia làm nhiều cấp với các mối quan hệ dọc ngang phức tạp trong mỗi cấp và giữa các cấp; quy mô đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ các bộ, ngành rất khác nhau; ngoài ra, còn có sự khác biệt lớn về quy mô, đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội của các tỉnh, thành phố trên các vùng miền. Do vậy, việc áp dụng chuẩn trao đổi thông tin số của chúng ta gặp nhiều khó khăn, một số trường hợp ta phải tự xây dựng.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh 3 nội dung cần lưu ý khi xây dựng các chuẩn trao đổi thông tin số, đó là: việc nghiên cứu xây dựng các chuẩn cần có sự chung tay phối hợp giữa Bộ với các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, viện, trường trên cả nước; do đặc thù của Việt Nam nên việc áp dụng xây dựng các chuẩn cần có sự tham khảo, nghiên cứu và áp dụng các chuẩn quốc tế; việc ứng dụng CNTT chỉ thành công khi gắn chặt ứng dụng CNTT với cải cách hành chính.

Trên cơ sở khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Bộ TT&TT với chủ đề được các chuyên gia bàn thảo tại Ngày CNTT 2015: “Chuẩn trao đổi thông tin số cho một xã hội thông minh”, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng hy vọng IT Day năm nay sẽ đề xuất nhiều kiến nghị cụ thể tham mưu giúp Chính phủ, Bộ TT&TT, Bộ KH&CN xây dựng hệ thống chuẩn trao đổi thông tin góp phần xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thúc đẩy việc gắn kết, liên thông dữ liệu và các hệ thống thông tin trong Chính phủ điện tử, xây dựng một xã hội thông minh, từ đó nâng cao tính hội nhập và hiện đại hóa CNTT Việt Nam với quốc tế.

Xây dựng chuẩn cần tiếp cận xu thế chung của thế giới

Trình bày tham luận tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Trường cho biết: “Trong lĩnh vực GTVT, lãnh đạo ngành luôn ý thức được nhu cầu tất yếu trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác, đặc biệt là tăng cường trao đổi thông tin số để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn được hiệu quả, có giá trị phát triển lâu dài 0 không chỉ đối với ngành mà còn đối với đất nước nói chung. Với ý nghĩa đó, ngành GTVT xác định, việc xây dựng chuẩn trao đổi thông tin số là một đòi hỏi thiết yếu trong thời đại hiện nay và có vai trò quan trọng trong quản lý nhà nước về giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng”.

Đại diện Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên Môi trường đã có tham luận nêu lên nhu cầu thực tiễn và định hướng xây dựng chuẩn trao đổi thông tin số trong ngành môi trường. Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Việt Nam Nguyễn Nam Hải, tại một số diễn đàn tiêu chuẩn hóa quốc tế như IEC hiện đang nổi lên vấn đề thiết lập cơ sở hạ tầng để xây dựng các đô thị thông minh nhằm tiến tới hình thành một thế giới thông minh, thống nhất đồng bộ và phát triển bền vững. Trong đó, CNTT được xác định là một trong những yếu tố cấu thành quan trọng. Vì thế, với thực tiễn công tác tiêu chuẩn hóa hiện nay, ông Hải cho rằng Việt Nam cần tiếp cận theo xu hướng chung của thế giới trong việc xây dựng chuẩn trao đổi thông tin để thuận lợi trong quá trình hội nhập và đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí trong đầu tư ứng dụng CNTT.

Ông Young Sik Kim, Giáo sư Viện KH&CN tiến tiến Hàn Quốc chia sẻ: "Tại Hàn Quốc, chúng tôi tập trung triển khai Chính phủ điện tử với các hệ thống không giấy tờ trong nhiều thập kỷ liền. Luật Chính phủ điện tử là một cơ sở mạnh mẽ cung cấp đầy đủ các yếu tố thiết yếu từ cơ chế chính sách, tài chính đến các hướng dẫn, tiêu chuẩn cụ thể. Ngoài ra, nó đã được triển khai theo một cách kỹ thuật thông qua khả năng tương tác, kiến trúc doanh nghiệp, và các khung tiêu chuẩn. Khu vực được áp dụng lớn nhất là khu vực G2B như thương mại, hải quan, mua sắm và khu vực G2G với hệ thống phần mềm dùng chung trong các cơ quan chính phủ. Về khu vực G2C, Hàn Quốc có một hệ thống chia sẻ thông tin công cộng cung cấp các thông tin cần thiết mà công dân cần".

Chia sẻ phiên tọa đàm “Chuẩn trao đổi thông tin số cho một xã hội thông minh” trong khuôn khổ Ngày CNTT 2015, ông Trần Hồng Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Giải pháp công nghệ Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT đã đem đến cho các đại biểu cái nhìn toàn cảnh của sự cần thiết phải có chuẩn trao đổi thông tin trong kỷ nguyên phát triển bùng nổ của nền S.M.A.C, đặc biệt là với xu hướng IoT.

Tuy nhiên, theo TS. Hoàng Lê Minh, Viện trưởng Viện CNPM và Nội dung số Việt Nam, mặc dù ứng dụng CNTT tại nước ta trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn tư duy phân chia, quản lý CNTT theo ngành, lĩnh vực như phần cứng, phần mềm, dịch vụ. Phải chăng trụ cột chính của CNTT Việt Nam hiện nay vẫn là hạ tầng CNTT, ứng dụng CNTT, công nghiệp CNTT, nguồn nhân lực CNTT? Trong khi việc kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu theo chuẩn và tích hợp các dịch vụ CNTT mới thực sự đem lại cơ hội phát triển thị trường để CNTT Việt Nam tăng tốc, cất cánh, và  phát triển.

Ngày CNTT là diễn đàn công nghệ thường niên của giới nghiên cứu, lãnh đạo và quản lý công nghệ nhằm chia sẻ thông tin, nhận diện xu thế và định hướng phát triển và ứng dụng CNTT trong mọi ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội; đồng thời tạo cơ hội hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và xúc tiến thương mại giữa các tổ chức, doanh nghiệp CNTT và các doanh nghiệp, tổ chức ứng dụng.

Dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT và Bộ KH&CN, chương trình Ngày CNTT 2015 được đồng tổ chức bởi 5 viện nghiên cứu, gồm: Viện Khoa học và Công nghệ VINASA; Viện Công nghiệp Phần mềm và Nội dung số Việt Nam (NISCI) - Bộ TT&TT; Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ KH&CN; Viện CNTT (ITI) - Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện CNTT&TT thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội.