Nhiều biện pháp quyết liệt lần đầu tiên được áp dụng trong công tác phòng chống dịch
Trong thời gian qua, dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh trên thế giới, tác động sâu rộng tới sức khoẻ, đời sống của cộng đồng quốc tế và sự phát triển kinh tế - xã hội trên toàn cầu. Nhiều biện pháp quyết liệt đã được triển khai trên thế giới để ứng phó với đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, đến nay dịch vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng liên tục trên thế giới, số ca mắc ghi nhận mỗi ngày vẫn ở mức cao, tỷ lệ bao phủ vắc xin của người dân vẫn còn hạn chế. Đáng chú ý, thế giới đã ghi nhận nhiều biến chủng mới có khả năng lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn gấp nhiều lần.
Tại Việt Nam, trên cơ sở kinh nghiệm trong việc phòng chống dịch SARS năm 2003, đại dịch cúm A(H1N1) năm 2009, ngay từ những ngày đầu, Việt Nam đã triển khai các biện pháp hết sức quyết liệt nhằm ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của dịch COVID-19. Ngay từ những ngày đầu, trực tiếp đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư đã có lời kêu gọi toàn dân đồng lòng, chung tay chống dịch. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, trúng và đúng ngay từ rất sớm, các Bộ, Ban, ngành đã chung tay, huy động sự tham gia vào cuộc của toàn dân triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch.
Đặc biệt, đã có nhiều biện pháp quyết liệt lần đầu tiên được áp dụng trong công tác phòng chống dịch như: hạn chế nhập cảnh, tiến tới tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người từ nước ngoài vào Việt Nam, cách ly tập trung toàn bộ người từ nước ngoài về, truy vết; kiểm soát nhập cảnh tại sân bay, cửa khẩu, đường mòn, lối mở.
Chúng ta đã kiên định thực hiện các nguyên tắc phòng, chống dịch: ngăn chặn, phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng, dập dịch; Nâng cao công suất xét nghiệm, tổ chức xét nghiệm trên diện rộng đối với các địa bàn có nguy cơ cao; Tổ chức phân loại, phân tuyến, hoàn thiện và tập huấn phác đồ điều trị; nhanh chóng triển khai các bệnh viện dã chiến. Ngành y tế đã hỗ trợ toàn diện các địa phương có dịch nâng cao năng lực xét nghiệm, giám sát dịch tễ, nâng cao năng lực điều trị, nhất là điều trị các ca bệnh nặng... Nhờ đó đã góp phần khống chế và từng bước đẩy lùi dịch bệnh một cách hiệu quả.
Thách thức mới của đại dịch COVID-19
Hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới của đại dịch COVID-19. Trong thời gian tới, dự báo dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, chắc chắn sẽ ảnh hưởng và tác động sâu sắc hơn đến tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Để phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục nỗ lực thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bảo đảm "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bảo đảm an toàn, sức khỏe người dân, vừa duy trì sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội đòi hỏi cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, các tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là sự tự giác, ý thức chấp hành của mỗi người dân, đối phó với dịch bệnh ở mức cao nhất.
Việt Nam đã trở thành điểm sáng của thế giới trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Chúng ta sẽ tiếp tục đồng sức, đồng lòng để đẩy lùi, chặn đứng đại dịch, áp dụng mọi biện pháp, mọi sáng kiến bảo vệ an toàn sức khỏe cho nhân dân, sớm đưa nhịp sống trở lại bình thường.
Để làm được điều đó, một trong những giải pháp quan trọng đó là cần đẩy mạnh công tác truyền thông, làm tốt công tác truyền thông, thông tin tới người dân một cách chính xác, kịp thời, hiệu quả, không chỉ góp phần nâng cao nhận thức của người dân mà còn góp phần tạo đồng thuận xã hội, sự chủ động của người dân trong phòng, chống dịch.
Hồng Hạnh, Thu Hiền