30% sản lượng tiêu thụ online
Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, các làng nghề trên địa bàn huyện Phú Xuyên chủ động ứng dụng, chuyển đổi dữ liệu và quy trình làm việc từ thủ công sang số hóa, tự động hóa.
Các làng nghề cũng đẩy mạnh chuyển đổi số để mở rộng thị trường tiêu thụ như sử dụng mạng xã hội, xây dựng website, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử.
Thời gian gần đây, trước sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các làng nghề tận dụng tiềm năng, lợi thế để khắc phục khó khăn, xây dựng chiến lược phát triển riêng phù hợp tình hình thực tế, bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh không bị gián đoạn, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động địa phương.
Với nghề may comple nổi tiếng, ông Nguyễn Văn Dậu, thôn Chính Vân (xã Vân Từ) chia sẻ: Thời gian gần đây, đi đôi với đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất, nhiều hộ trong làng nghề linh hoạt tìm kiếm thị trường thông qua mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. Những hình ảnh, video về quá trình may đo, tạo dựng... được người dân tích cực giới thiệu, quảng bá trên Facebook, Zalo, thu hút đông đảo khách hàng.
Đặc biệt, ông Dậu cho biết, việc mở kênh bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội được giới trẻ của làng nghề sử dụng phổ biến, đem lại giá trị cao. Hiện, sản lượng bán hàng thông qua mạng xã hội và thương mại điện tử bắt đầu tăng, chiếm khoảng 30% tổng sản lượng tiêu thụ sản phẩm của làng nghề.
Không đứng ngoài “cuộc chiến” tìm kiếm thị trường, làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ thuộc xã Tân Dân cũng đang tích cực đổi mới hình thức, phương thức bán hàng, đặc biệt là áp dụng công nghệ số, chuyển đổi số từ quản lý điều hành đến hoạt động sản xuất và bán hàng.
Chủ cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ Nguyễn Minh Công ở xã Tân Dân cho hay, cơ sở chuyên sản xuất sản phẩm từ gỗ (giường, tủ, bàn ghế...), có đặc tính nặng, khó vận chuyển nên việc giới thiệu sản phẩm trực tuyến sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí vận chuyển so với hình thức trưng bày, giới thiệu sản phẩm.
"Từ không gian mạng, chúng tôi có thể cập nhật hình ảnh, mẫu sản phẩm mới, thông tin về chất liệu gỗ, kiểu dáng, kích cỡ... kết hợp giao hàng tận nơi, nhờ đó, giá thành sản phẩm giảm, mang lại lợi ích cho cả người mua và người bán", ông Công nói.
Về cơ duyên phát triển bán hàng qua các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, anh Vũ Văn Đình (ở thôn Thượng, xã Chuyên Mỹ) chia sẻ: Trước đây việc bán hàng qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội… không mấy hiệu quả do kỹ năng bán hàng kiểu này của các cơ sở làng nghề chưa thạo và kén khách.
Sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản phẩm làng nghề khó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và khó tới các tỉnh, thành phố như trước; việc vận chuyển nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm trong nước cũng gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình đó, theo anh Đình, để sản xuất, kinh doanh không bị đứt gãy, nhiều hộ gia đình trong làng nghề linh hoạt tìm kiếm thị trường thông qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Nhờ "lối ra" này, sản phẩm mộc mỹ nghệ, khảm trai… xuất bán ra thị trường khá đều.
"Đáp án" từ chuyển đổi số
Toàn huyện Phú Xuyên hiện có 154/154 làng, cụm dân cư có nghề (chiếm 100%); 78 làng nghề được duy trì, phát triển mạnh; 43 làng nghề đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống. Tiêu biểu là các làng nghề khảm trai, mây giang đan, đồ mộc, nông sản, thực phẩm, dệt may, cơ khí, tơ lưới, da giày…
Đứng thứ 3/30 quận, huyện của Thủ đô về số làng có nghề, sản phẩm làng nghề của Phú Xuyên có mẫu mã đa dạng, đậm nét văn hóa riêng, tạo được thị trường rộng lớn, giải quyết việc làm cho trên 80% số lao động địa phương và vùng lân cận.
Tuy nhiên, theo Bí thư Đảng ủy xã Vân Từ Nguyễn Thanh Xuân, thực tế cho thấy, việc áp dụng nền tảng kinh tế số vào sản xuất, phát triển chuỗi giá trị tại các làng nghề trên địa bàn Phú Xuyên vẫn đang ở bước sơ khai.
Quá trình chuyển đổi số chỉ diễn ra tại số ít làng nghề và dừng lại ở việc quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm qua các kênh phân phối online. Số cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ và thương mại điện tử trong kinh doanh còn khiêm tốn.
Nguyên nhân cơ bản do đa số hộ sản xuất trong làng nghề là nông dân, trình độ tiếp cận thị trường chưa cao, ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm sản xuất...
Đồng quan điểm, Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Lê Văn Bính cho hay: Việc nắm bắt thông tin thị trường, công tác kết nối giao thương với các siêu thị, doanh nghiệp xuất - nhập khẩu của các làng nghề chưa nhạy bén; việc đầu tư sản xuất công nghệ cao đòi hỏi nguồn kinh phí lớn trong khi hầu hết làng nghề thiếu vốn.
Do đó, Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho rằng, thời gian tới, để chuyển đổi số phát huy hiệu quả, mang lại giá trị thiết thực cho các làng nghề truyền thống trên địa bàn, Phú Xuyên tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện hiệu quả chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chú trọng hướng dẫn làng nghề ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn người dân kiến thức về thương mại điện tử, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng hiệu quả sản xuất trong làng nghề.
Trước những khó khăn trên, UBND huyện Phú Xuyên đã xây dựng sàn thương mại điện tử quy tụ sản phẩm làng nghề tiêu biểu của huyện về một đầu mối.
Qua đó, khách hàng thay vì tìm kiếm sản phẩm của làng nghề Phú Xuyên qua nhiều kênh khác nhau thì nay chỉ cần truy cập vào sàn thương mại điện tử của huyện là có đầy đủ và việc giao thương, kết nối, quảng bá thương hiệu sản phẩm cũng được thuận lợi hơn.
"Tới đây, trong khuôn khổ Lễ hội vinh danh làng nghề huyện Phú Xuyên lần thứ IV (tổ chức từ ngày 26 đến 29-10), sàn thương mại điện tử huyện Phú Xuyên sẽ được khai trương, kỳ vọng mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi số ở các làng nghề...", Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh thông tin thêm.
Theo Bạch Thanh (Báo Hà nội mới)