Ngày 29/4, anh Lụm 38 tuổi và con hiện đang ở trọ tại phường Phước Long A, Quận 9, TP.HCM đi bán vé số sau gần một tháng ‘thất nghiệp’. Xe buýt chưa hoạt động, 5 giờ sáng, anh được con gái 12 tuổi dẫn đi bán gần chỗ ở. 11 giờ trưa, số vé được bán hết, hai cha con nắm tay nhau đi bộ về giữa trời nắng mà mồ hôi nhễ nhại, quần áo bám đầy bụi đất.

{keywords}
Anh Lụm. 

Vừa bước vào căn phòng rộng 10m2, trong con hẻm nhỏ đường Đỗ Xuân Hợp, anh Lụm khoe: ‘Hôm nay, cha con tôi bán được 100 tờ vé số. Tôi định chiều đi bán nữa, nhưng con bé đang bị cảm nên phải nghỉ’, ông bố quê ở xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận nói.

Anh Lụm bị mù từ năm 12 tuổi, sau một tai nạn. 16 năm trước, anh lấy vợ, sinh lần lượt ba con gái 15 tuổi, 13 tuổi và 12 tuổi. ‘Con gái út của tôi được 2 tuổi, cô ấy bỏ đi, để tôi với ba con nhỏ. May mắn, tôi có bố mẹ, anh chị em trong nhà hỗ trợ mới vượt qua được những ngày khó khăn’, giọng buồn, ông bố ba con kể về hoàn cảnh gia đình mình.

Ông bố sinh năm 1982 cho biết, những ngày cả ba con gái còn nhỏ, có chút năng khiếu về đàn, hát, anh đăng ký học một khóa chơi đàn ghi ta rồi đi đàn, hát trong đám cưới. ‘Công việc đó có thu nhập không cao, nhưng nó giúp tôi nuôi được ba con gái’, anh Lụm nói.

{keywords}
Cây đàn và giỏ sách giúp anh Lụm và con gái đi bán vé số.

Ba năm trước, công việc hát đám cưới thất thu, anh để hai con gái lớn ở quê đi học, tự chăm sóc cho nhau, còn mình đưa con gái út – bé Lan 12 tuổi vào Sài Gòn mưu sinh bằng nghề bán vé số. Hằng ngày, anh được con gái nắm tay dẫn ra đường bắt xe buýt đến phà Cát Lái, Quận 2. Tại đây, cha vừa đàn vừa hát, con cầm xấp vé số đi mời khách.

‘Hai con gái lớn của tôi xa mẹ từ nhỏ nên biết tự lập. Từ khi bố và em đi làm xa, hai đứa đi học về là chăm gà vịt, vườn cây, nấu cơm ăn. Hôm nào rảnh, con bé lớn đi cắt rễ, bóc vỏ hành cho cơ sở gần nhà nên cũng thêm chút tiền ăn cá.

{keywords}
Hai bao gạo anh Lụm được đoàn từ thiện, mạnh thường quân đến tặng trong những ngày sống giãn cách xã hội.

Ở trong này, hai cha con tôi được nhiều người thương nên ngày nào bán cũng hết. Mỗi tháng, tôi có thu nhập hơn 6 triệu đồng. Tiền nhà trọ thì có hai đứa em vào làm bảo vệ, làm vệ sinh phụ thêm nên cũng dư một ít gửi về cho hai con ở quê’, anh Lụm kể về cuộc sống của mình.

Khi dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, cùng quyết định cách ly xã hội được thực thi, hai cha con anh Lụm phải tạm nghỉ việc từ ngày 31/3. Ban đầu, anh định bắt xe về quê để bốn cha con có rau ăn rau, cháo ăn cháo, nhưng xe khách đã ngưng hoạt động.

{keywords}
Con gái út anh Lụm mỗi ngày nắm tay cha đi bán vé số. Vì không có hộ khẩu Sài Gòn và kinh tế của cha khó khăn, hiện em đang theo học ở một lớp học tình thương gần chỗ ở.

‘Thất nghiệp mấy ngày dịch, thu nhập không có, tiền dự trữ cũng không nhưng cuộc sống của cha con tôi không đói. Các đoàn từ thiện tặng cho tôi 20 kg gạo, hai thùng mì tôm, dầu ăn, nước mắm, nước rửa tay, khẩu trang. Hôm nào đi chợ được, bữa ăn của cha con tôi cải thiện một chút. Còn không, hai cha con cắm nồi cơm, pha gói mì rồi trộn vào nhau ăn. Ăn vậy, nhưng tôi thấy rất ngon miệng’, đưa tay chỉ vào những món quà được các mạnh thường quân, đoàn từ thiện tặng, anh Lụm nói bằng giọng biết ơn.

Ngày 20/4, anh Lụm được UBND phường Phước Long A gửi giấy mời lên nhận 750 ngàn đồng tiền hỗ trợ cho người bán vé số trong những ngày nghỉ việc vì giãn cách xã hội.

Anh cho biết, số tiền này dù không lớn, nhưng đã giúp cuộc sống của bốn cha con anh đỡ hơn. 'Hôm nghe thông báo đến nhận tiền, tôi vui lắm. Cảm ơn Nhà nước, cảm ơn các mạnh thường quân, các đoàn từ thiện đã giúp cha con tôi đi qua mùa dịch nhẹ nhàng hơn.

Giờ, tôi mong mình sẽ có sức khỏe, được nhiều người thương để có thể bán được nhiều vé số kiếm tiền nuôi con', ông bố ba con bày tỏ.

Bà chủ tiệm tóc khiến người trong 'xóm giang hồ' Sài Gòn phải gật đầu chào

Bà chủ tiệm tóc khiến người trong 'xóm giang hồ' Sài Gòn phải gật đầu chào

Khi thấy khẩu trang y tế khan hiếm, giá bị đẩy lên cao, bà Mì đi mua vải, học may rồi tự may khẩu trang mang tặng cho người nghèo.  

Tú Anh