- Mẹ tôi mất để lại sổ đỏ đứng tên bà. Theo di chúc, bà để lại cho tôi ½ mảnh đất, ¼ cho người anh trai bị down và ¼ cho con gái nuôi; trong đó phần của anh trai tôi ghi để chị gái nuôi quản lý.
Nhưng hiện tại, chị tôi không muốn lấy và đồng ý nhường toàn bộ lại cho tôi. Di chúc của mẹ tôi làm trong bệnh viện và có công chứng viên xác nhận đúng pháp lý. Anh tôi bị down giấy tờ chứng minh bệnh tật hiện tại tôi ko thấy, nhưng anh tôi đc nhà nước công nhận và cấp tiền trợ cấp hàng tháng.
Vậy bây giờ tôi muốn sang tên nhà đất thì thủ tục thế nào và làm tại cơ quan nào? Về phần của anh trai tôi cần giải quyết ra sao?
Tôi có thể trông coi phần thừa kế của anh trai không (Ảnh minh họa) |
Theo thông tin bạn cung cấp, mẹ bạn mất để lại cho bạn ½ mảnh đất, ¼ cho người anh trai bị down và ¼ cho con gái nuôi; trong đó phần của anh trai ghi để chị gái nuôi quản lý. Do bị mất năng lực hành vi dân sự nên để thực hiện phân chia di sản thừa kế theo thỏa thuận, anh bạn cần phải có người giám hộ.
Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự. Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ. Trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự không có người giám hộ đương nhiên theo quy định tại Điều 52 và Điều 53 của Bộ luật này thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ.
Việc cử người giám hộ phải được sự đồng ý của người được cử làm người giám hộ. Việc cử người giám hộ phải được lập thành văn bản, trong đó ghi rõ lý do cử người giám hộ, quyền, nghĩa vụ cụ thể của người giám hộ, tình trạng tài sản của người được giám hộ.
Theo thông tin bạn cung cấp thì không rõ là chị nuôi có văn bản cử giám hộ chưa. Nếu chưa có văn bản cử giám hộ thì các anh chị em thỏa thuận cử người giám hộ theo quy định Bộ luật Dân sự. Sau đó, người giám hộ có quyền đại diện cho người được giám hộ trong việc xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ. Người giám hộ không được đem tài sản của anh bạn tặng cho người khác, và các giao dịch dân sự giữa bạn với anh trai bạn có liên quan đến tài sản của anh bạn sẽ vô hiệu trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của anh bạn và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.
Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc