Tại Diễn đàn Giáo dục Thế giới năm 2023, Quốc vụ khanh phụ trách Phát triển Quốc tế,  Bộ Ngoại giao và Phát triển Anh đã khởi động Chương trình Giáo dục và Kỹ năng dành  cho nữ giới trong khuôn khổ Kế hoạch hành động giữa nước này và ASEAN. 

Chương trình mới do Vương quốc Anh tài trợ sẽ tăng cường khả năng tiếp cận với một  nền giáo dục chất lượng cho những phụ nữ và trẻ em gái bị thiệt thòi nhất ở khu vực  Đông Nam Á, mang đến cho họ một tương lai tốt đẹp hơn. 

W-minhhoa-1.png
Ảnh minh hoạ

Khoản tài trợ được dùng để cải thiện chất lượng giáo dục cho phụ nữ và trẻ em gái  bằng cách ưu tiên dạy các kỹ năng đọc và toán cơ bản để khai phá hết tiềm năng của  họ. Chương trình sẽ mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục về kỹ thuật và kỹ thuật số cho phụ  nữ và trẻ em gái – tập trung vào những kỹ năng cần thiết để có được việc làm trong các  lĩnh vực đòi hỏi kỹ năng cao như công nghệ và sản xuất. 

Chương trình cũng sẽ thúc đẩy sự hòa nhập của các cộng đồng thiểu số và vùng sâu  vùng xa, người nghèo tại các thành phố và trẻ em khuyết tật bằng cách thực hiện các  đánh giá về tình trạng khuyết tật để xác định các nhu cầu bổ sung cũng như hướng dẫn  kiểm tra thị lực 

Quốc vụ khanh phụ trách Phát triển Quốc tế của Bộ Ngoại giao và Phát triển Anh, Andrew  Mitchell đã công bố khoản tài trợ này tại Diễn đàn Giáo dục Thế  giới (EWF) diễn ra ngày hôm qua tại London. Đây là sự kiện giáo dục lớn nhất thế giới  quy tụ nhiều bộ trưởng giáo dục các quốc gia tham dự.  

Quốc vụ khanh Andrew Mitchell cho biết: “Tăng cường bình đẳng giới mang lại tự do, thúc đẩy thịnh vượng và củng cố an  ninh toàn cầu. Các quốc gia không thể phát triển nếu một nửa dân số không thể  phát huy hết tiềm năng của họ. 

Điều này có nghĩa là các quốc gia cần hợp tác để cung cấp một nền giáo dục có  chất lượng cho tất cả mọi người, trong đó tập trung vào trẻ em gái để giải quyết  các rào cản mà các em gặp phải bao gồm bạo lực, nghèo đói, các chuẩn mực giới  có hại và biến đổi khí hậu.

Chúng tôi đang làm việc với các đối tác khắp vực Đông Nam Á để giải quyết  những khủng hoảng học tập và cải thiện giáo dục cũng như cơ hội việc làm trong  tương lai của phụ nữ và trẻ em gái để đảm bảo một tương lai thịnh vượng".

Ước tính 140 triệu trẻ em tại khu vực Đông Nam Á đã phải bỏ học khi trường học đóng  cửa vì đại dịch COVID-19. Điều này càng trở nên tồi tệ hơn do chất lượng giáo dục thấp,  chỉ số nghèo về học tập cao, khả năng tiếp cận giáo dục ở khu vực nông thôn bị hạn chế,  giáo dục không đáp ứng được mục tiêu trang bị kỹ năng làm việc cho học sinh, và trẻ em  gái phải bỏ học vì kết hôn sớm. 

Đây là chương trình đầu tiên trong một loạt các chương trình mới  giữa ASEAN và Vương quốc Anh được thiết kế nhằm thực hiện các cam kết của Anh với tư cách là một đối tác đối thoại của của ASEAN. 

Chương trình Giáo dục và Kỹ năng dành cho nữ giới tại khu vực ASEAN, với  khoản hỗ trợ 30 triệu bảng Anh, sẽ được triển khai tại Brunei, Campuchia,  Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Timor Leste.

Chương trình sẽ tập trung vào 4 lĩnh vực chính: Giáo dục nền tảng; Trẻ em gái  nghỉ học và trẻ em khuyết tật; Rào cản giới đối với kỹ năng và việc làm trong lĩnh  vực kỹ thuật số; Tạo khả năng làm việc trong Công nghệ giáo dục. 

Thuý Tình và nhóm PV, BTV