Lần đầu làm việc "bất đắc dĩ"
Anh Trần Khánh Hậu (SN 1987, quê Long An), hiện là nhân viên khoa Kiểm soát bệnh tật tại Trung tâm Y tế Quận 9 cũ (nay là TP Thủ Đức). Từ ngày 18/5 đến nay, TP.HCM liên tục ghi nhận thêm nhiều trường hợp dương tính với nCoV.
Sau khi phát hiện một ca bệnh, lực lượng chức năng tiến hành truy vết các trường hợp tiếp xúc, vì vậy, số những người là F1 phải đi cách ly tập trung ngày càng tăng.
Anh Hậu được cơ quan phân công làm chuyên trách phòng chống dịch tại địa phương suốt thời gian qua.
Anh Trần Khánh Hậu. Ảnh: Thủy Tiên. |
18h ngày 6/6, TP. Thủ Đức mưa tầm tã. Tại một con hẻm đang tạm thời bị phong tỏa do có ca dương tính với nCoV, ở phường Tăng Nhơn Phú A, một chiếc xe cấp cứu đã đứng chờ, sẵn sàng chở các trường hợp F1 chuẩn bị đi cách ly tập trung.
Tài xế lái xe là anh Hậu. Trong nhiệm vụ hôm nay, anh sẽ hộ tống 21 trường hợp F1 đi cách ly tập trung, chia làm 2 chuyến, tất cả đều đã mặc đồ bảo hộ.
Trong bộ đồ bảo hộ kín mít, anh tất tả giúp người dân vận chuyển hành lý, phun khử khuẩn và dặn họ phải đảm bảo an toàn cho mình khi ngồi trên xe.
Khi anh Hậu đưa những người F1 đến khu cách ly tập trung và về lại thì trời cũng đã khuya. Phải mặc bộ đồ bảo họ suốt cả ngày, người anh ướt đẫm mồ hôi, nét mặt mệt mỏi. Tuy thế, anh vẫn lạc quan tươi cười khi các đồng nghiệp hỏi thăm.
Đến nay, anh Hậu đã làm tài xế lái xe cấp cứu đưa người F1 đi cách ly tập trung được một tuần. Ảnh: Thủy Tiên. |
Nói về công việc mình đang làm, anh nhân viên y tế sinh năm 1987 chia sẻ: “Nửa tháng qua, các F1 tiếp xúc với ca dương tính với nCoV tăng liên tục. Anh em tài xế không chở kịp, còn người phải đi cách ly thì chờ lâu. Tôi biết lái xe. Khi bệnh viện Trưng Vương hỗ trợ xe cấp cứu chống dịch, tôi nhận lái luôn”.
Anh cũng cho biết, anh đã làm nhiệm vụ này được một tuần. “Hơn 8 năm làm nghề y, đây là lần đầu tiên tôi lái xe cấp cứu. Công việc bất đắc dĩ nhưng đang trong thời gian chống dịch cấp bách, làm được việc gì mình làm hết”, anh Hậu vui vẻ nói.
Nhiều người F1 khó chịu khi phải đi cách ly
Suốt một tuần qua, ở 13 phường thuộc TP Thủ Đức liên tiếp có các trường hợp F1 cần được đưa đi cách ly tập trung. Trung bình mỗi ngày tại mỗi phường, anh Hậu phải chở từ 2-5 chuyến thì mới kịp đưa hết các trường hợp F1 đi cách ly.
Lần chở người đi cách ly đông nhất của anh hậu là đưa 140 người ở công ty may Phong Phú đi cách ly trong đêm. Khi anh quay về cơ quan đã khuya lắm rồi, mồ hôi thấm ướt hết chiếc áo đang mặc, mặt bơ phờ vì mệt. Vậy nhưng, anh vẫn cười tươi nói: “Làm việc liên tục mấy ngày rồi, chỉ mong được ngủ một giấc thiệt đã nhưng vì nhiệm vụ tôi luôn tự nhủ phải cố gắng. Tôi có cố gắng mới đảm bảo cách ly kịp thời đối tượng nguy cơ”.
Anh Hậu và các nhân viên y tế hỗ trợ người cách ly vận chuyển đồ ra xe. Ảnh: Thủy Tiên. |
Công việc chở các F1 đi cách ly tưởng chừng như đơn giản nhưng lại khó khăn, tốn thời gian, công sức vô cùng. Bởi, có nhiều người phản đối, không chịu hợp tác khi phải đi cách ly tập trung. Lúc đó, anh Hậu phải giải thích về sự nguy hiểm, những quyền lợi mà họ được hưởng khi đi cách ly và cả việc sẽ vi phạm pháp luật nếu không chấp hành.
“Họ nghe xong thì đồng ý, nhưng đến giờ đi họ đổi ý, không chịu đi. Nhiều lúc, tôi phải nhờ đến lực lượng chức năng ở khu phố ra nói chuyện thì họ mới hợp tác”, anh nhân viên y tế kể.
Mọi mệt mỏi của anh Hậu như tan biến khi anh gặp những người vui vẻ hợp tác khi phải đi cách ly tập trung. “Mấy hôm trước tôi chở các trường hợp F1 đi cách ly tập trung tại khu cách ly thuộc phường Long Thạnh Mỹ nhưng chẳng may lại hết phòng, liên hệ khu cách ly tại Quận 2 cũ nhưng cũng hết phòng.
12 người trên xe lúc đó phải đợi để chờ chuyển sang cách ly trong một hội trường lớn. Trong lúc chờ đợi thành phố kích hoạt khu cách ly tại Đại học văn hoá TP. HCM, họ phải ngủ tạm dưới đất để chờ. Khi khu cách ly vừa mở chưa kịp có chiếu, có gối họ vẫn vui vẻ vào ở, không kêu ca phản nàn gì ca", anh Hậu kể.
Kết thúc một ngày làm việc, cởi bỏ bộ đờ bỏ hộ kín mít, ánh mắt chàng tài xế bất đắc dĩ Trần Khánh Hậu toát lên vẻ tự hào: “Hiện thành phố đang thực hiện truy vết cực tốt. Hy vọng đợt dịch này sẽ nhanh chóng dập được".
Sáng 7/6, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM đã họp triển khai công tác chống dịch trên địa bàn. Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, đến nay, thành phố có 640 ca bệnh, trong đó 433 ca nhiễm trong cộng đồng, 207 ca nhập cảnh.
Theo ông Bỉnh, hiện dịch tại thành phố đang chững lại, số ca bệnh phát hiện trong giảm dần. Tuy nhiên, thành phố khuyến cáo người dân không nên chủ quan, hãy tiếp tục thực hiện quy tắc 5K của Bộ Y tế và thành khẩn khai báo y tế khi đi khám bệnh.
Tú Anh
Gõ cửa từng nhà tặng khẩu trang, chung tay phát cơm 0 đồng
Chung tay hỗ trợ người nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều cá nhân, tổ chức tại TP.HCM liên tục thực hiện các hoạt động tặng khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, phát cơm, sữa 0 đồng…