Chuyện về các đại học danh tiếng thế giới, mà gần đây nhất là về thực hư thông tin Harvard lúc 4h rưỡi sáng, luôn thu hút dư luận với nhiều góc nhìn đa chiều. Từ đó có thể nhận ra nhiều vấn đề cơ bản khác xoay quanh nhận thức về giáo dục của người Việt: quan niệm về giáo dục, về nhà trường và đích đến của việc học tập.
Trường danh tiếng rất đáng đề cao...
Có một thực tế khó phủ nhận rằng bất cứ nước nào cũng đều tồn tại “thứ hạng” dành cho các trường học, có thể được đo đạc và công bố chính thức, hoặc dưới dạng “bất thành văn” dựa vào sự đánh giá của xã hội.
Chẳng hạn, ở Nhật, hàng năm người ta đều công bố ấn phẩm xếp loại các trường đại học theo rất nhiều tiêu chí. Cách xếp thứ hạng này dựa chủ yếu vào số liệu thống kê thực chứng thu thập được trong thực tế, như số liệu về tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp, tỉ lệ “chọi” khi thi đầu vào, tỉ lệ sinh viên thi đỗ trong các kì thi lấy giấy phép hành nghề giáo viên, luật sư, bác sĩ…
Ở Nhật, những trường đại học vốn xuất phát là đại học đế quốc và những trường tư có nguồn gốc ra đời từ thời Minh Trị, Taisho do các nhân vật xuất chúng thời đại đó lập ra cho đến nay vẫn là những ngôi trường mơ ước của rất nhiều phụ huynh, học sinh.
Nói chung xét một cách tổng thể, sự đánh giá cao các trường có danh tiếng, có thứ hạng là chuyện bình thường. Những ngôi trường đó vốn là những trường có truyền thống lâu đời, từng đào tạo ra nhiều nhân vật xuất chúng và khẳng định được giá trị của mình qua thời gian.
Harvard, một trong những trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới. Ảnh: Storify.com |
...nhưng không phải là “nồi nước thánh” diệu kì
Sự tồn tại của các trường danh tiếng, các trường có thứ hạng cao cùng vai trò của nó trong thực tiễn là không thể phủ nhận.
Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu như từ chỗ đánh giá cao các trường đó chúng ta đi đến kết luận rằng tất cả những gì thuộc về nó đều tuyệt vời, ai từng học ở đó ra đều là những người ưu tú có năng lực hơn người. Lối nghĩ này có cái gì đó cũng tương tự như tư duy cho rằng phải có bằng tiến sĩ hay học hàm này nọ, phải đi du học mới là giỏi…
Cách thức tuyển sinh của các trường đại học đang ngày một thay đổi sao cho chọn được các sinh viên ưu tú. Song, những năng lực, phẩm chất được đặt ra trong kì thi có trùng khớp với năng lực, phẩm chất mà xã hội cần ở người công dân trưởng thành không lại là vấn đề khác. Vì thế không phải cứ ai thi được vào các trường danh tiếng đều mặc nhiên là giỏi.
Tương tự, cho dù chương trình giáo dục của trường ngày một được cải tiến cho gần hơn với đời sống, nhưng về cơ bản ngay cả ở các ngôi trường nổi tiếng, nội dung học tập và thực tiễn vẫn có những khoảng cách. Do đó, thành tích học tập trong trường rất có thể không phản ánh đúng và đầy đủ năng lực của con người trong thực tiễn đời sống sau này.
Hơn nữa trường học cũng chỉ là một trong nhiều môi trường, yếu tố tác động đến sự trưởng thành của con người. Nó không phải là “nồi nước thánh” diệu kì để bất cứ ai sau khi tắm qua nó đều trở thành… vĩ nhân hay người có năng lực ưu việt.
Nếu tìm kiếm trong thực tế đời sống, người ta cũng sẽ thấy vô số trường hợp các cá nhân không xuất thân từ các trường danh tiếng vẫn làm được những điều kì diệu và đóng góp lớn cho cộng đồng. Trái lại, người ta cũng dễ dàng tìm được những cá nhân tốt nghiệp các trường danh tiếng, có đầy bằng cấp danh giá nhưng không làm được gì đáng kể, thậm chí có người thất bại.
Ngẫm cho cùng, lối vào cổng trường các trường danh tiếng hay rộng hơn là cánh cổng đại học cũng chỉ là một con đường, mà nếu có cơ hội để đi vào sẽ là điều tuyệt vời. Nhưng dẫu thế, đó cũng chỉ là bước khởi đầu của một con đường rất xa, nếu tuyệt đối hóa nó, rất có thể, người học sẽ lầm tưởng sự khởi đầu chính là đích đến.
Tiếp sau sự “tuyệt đối hóa” sẽ là sự “thần thánh hóa”, mà hệ quả sẽ là làm cho các cuộc đua trong giáo dục trở nên ngày một khốc liệt và làm cho người học dễ mắc sai lầm trong nhận thức về mục tiêu.
Nguyễn Quốc Vương