Để phục vụ cuộc điều tra nhắm vào thủ phạm tấn công khủng bố bên ngoài tòa nhà quốc hội Anh, chính phủ nước này đang gây sức ép buộc WhatsApp, ứng dụng nhắn tin thuộc sở hữu của Facebook, cấp quyền cho các điều tra viên đọc được những thông điệp đã mã hóa của người dùng.

{keywords}

Khalid Masood, công dân Anh, 52 tuổi đã gây ra một vụ tấn công khủng bố táo tợn bên ngoài Cung điện Westminster (tức tòa nhà Nghị viện Anh) ở thủ đô London tối 22/3, khiến 4 người thiệt mạng và 40 nạn nhân khác bị thương, trước khi hắn bị cảnh sát bắn chết. Theo cơ quan điều tra, Masood đã sử dụng WhatsApp trước khi ra tay thảm sát.

Chính phủ Anh tuyên bố, các cơ quan an ninh của nước này phải có quyền truy cập vào những ứng dụng nhắn tin mã hóa như WhatsApp. Kênh Sky News dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Anh Amber Rudd nhấn mạnh, việc cảnh sát và các cơ quan an ninh không thể "bẻ khóa" dịch vụ WhatsApp là "hoàn toàn không chấp nhận được".

Cảnh sát Anh cho biết, họ vẫn không biết tại sao Masood, một kẻ có tiền án, tiền sự cải sang đạo Hồi, lại thực hiện vụ tấn công và dường như một mình hành động, dù tổ chức khủng bố IS đã đứng ra nhận trách nhiệm về sự cố.

"Chúng ta không được để bọn khủng bố có nơi ẩn náu. Chúng ta cần đảm bảo rằng các tổ chức như WhatsApp không mang tới một không gian bí mật để chúng có thể liên lạc với nhau", bà Rudd nói. Bộ trưởng Nội vụ của Anh giải thích, tính năng mã hóa đầu - cuối vô cùng thiết yếu đối với việc bảo mật mạng, giúp bảo đảm các hoạt động giao dịch ngân hàng, kinh doanh, ... an toàn, nhưng nó vẫn phải "mở" đối với các cơ quan điều tra khi cần.

Bà Rudd tiết lộ, Anh không muốn bắt ép các doanh nghiệp bằng luật mới, nhưng sẽ nhóm họp với họ vào ngày 30/3 tới để thảo luận về vấn đề này cũng như "cuộc chiến dai dẳng" chống các nội dung cực đoan, khủng bố đăng tải trên mạng trực tuyến.

Trong khi đó, WhatsApp thông báo đang hợp tác với nhà chức trách Anh điều tra vụ tấn công bên ngoài Điện Westminster. Tuy nhiên, công ty không nói rõ liệu có thay đổi chính sách của mình về dịch vụ nhắn tin mã hóa hay không.

Năm ngoái, Apple từng phải hầu tòa vì nhất quyết chống lại một yêu cầu của Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) về việc chỉnh sửa hệ điều hành iOS, cho phép cơ quan điều tra xâm nhập vào bên trong chiếc iPhone đã mã hóa của một trong những kẻ xả súng thảm sát tại thành phố San Bernardino, California, Mỹ vào tháng 12/2015. Thái độ "ngang bướng" của Táo khuyết trên quan điểm bảo vệ người tiêu dùng, bất chấp sức ép của chính phủ Mỹ và các điều tra viên, đã nhận được sự ủng hộ của các hãng công nghệ có tên tuổi khác.

Nhà chức trách Mỹ rốt cuộc đã hủy vụ kiện chống Apple, sau khi tìm được bên thứ ba bẻ khóa thành công chiếc iPhone 5C của kẻ khủng bố San Bernardino.

Tuấn Anh (Theo BBC, Yahoo News)