Cơ quan Thị trường và Cạnh tranh Anh (CMA) cho biết sẽ thu thập thêm thông tin để xác định Google và Amazon có vi phạm luật tiêu dùng không vì không bảo vệ khách hàng trước các đánh giá giả mạo. Trước đó, vào tháng 5/2020, CMA điều tra và đánh giá một số hệ thống, quy trình nội bộ trong xác định và xử lý với đánh giá ảo của Amazon, Google.
Một báo cáo hồi tháng 2 của Which chỉ ra vài người bán hàng còn mua đánh giá ảo “theo lố”. Chẳng hạn, một website đánh giá ảo cung cấp 1.000 bài đánh giá với giá 11.000 USD, còn một trang khác nói có thể giúp người bán hàng Amazon đạt trạng thái Amazon’s Choice (sản phẩm được đánh giá cao, giá tốt, sẵn sàng giao ngay) chỉ trong 2 tuần. Một số trang còn đề nghị đổi đánh giá ảo lấy sản phẩm miễn phí hoặc giảm giá.
Các hội nhóm bán đánh giá Amazon còn xuất hiện trên mạng xã hội như Facebook, Telegram. Tuần trước, Amazon cho rằng các mạng xã hội cần chi nhiều tiền hơn để nhổ tận rễ thế lực xấu, sử dụng nền tảng của họ để thu thập đánh giá ảo.
Andrea Coscelli, phụ trách CMA, lo ngại hàng triệu người mua sắm trực tuyến sẽ bị lừa đảo khi đọc đánh giá ảo, sau đó bỏ tiền dựa trên những đánh giá này. Ông cho rằng sẽ không công bằng nếu một doanh nghiệp có thể giả mạo đánh giá 5 sao để đưa sản phẩm, dịch vụ của họ lên vị trí nổi bật, trong khi các doanh nghiệp tuân thủ luật pháp lại thua cuộc.
Đầu năm nay, Amazon cấm người bán và người mua lợi dụng tính năng đánh giá trên sàn. Công ty đình chỉ, cấm và có hành động pháp lý chống lại những tài khoản vi phạm chính sách. Mỗi tuần, sàn này phân tích hơn 10 triệu đánh giá. Tháng 9/2020, Amazon gỡ bỏ 20.000 đánh giá sản phẩm sau khi cuộc điều tra của tờ Financial Times ám chỉ một số người có thể được hưởng lợi khi để lại đánh giá tích cực.
Du Lam (Theo BI)
Đột nhập ổ chuyên viết đánh giá ảo cho Amazon trên Facebook
Khi Amazon đang nỗ lực triệt phá những đánh giá ảo trước thềm Prime Day, thì vấn đề này bắt đầu lan sang các nền tảng mạng xã hội.