- Chụp những bức ảnh lung linh, đi dã ngoại khắp nơi để chụp với chi phí có khi lên tới cả trăm triệu. Nhưng có thể không lâu sau chính những bức ảnh ấy lại nằm gọn trong xe rác.

Mấy hôm nay, đọc diễn đàn cưới của báo VietNamNet, tôi đã suy nghĩ rất nhiều.

Hẳn các bạn còn nhớ bức ảnh cưới của đôi vợ chồng trẻ nào đó nằm gọn trong xe rác làm cư dân mạng xôn xao bàn tán hồi năm trước. Không biết nguồn gốc bức ảnh ra sao, nhưng hình ảnh cô dâu chú rể dựa lưng vào nhau cười tươi cũng chứng tỏ khi chụp bức ảnh đó họ đã rất hạnh phúc.

Chúng ta cũng vậy thôi, lúc còn yêu đương mặn nồng thì chẳng ai nghĩ sẽ có ngày mỗi người một hướng. Thế nên đã chụp ảnh cưới là phải chụp sao cho độc, đẹp lung linh, hoành tráng, tốn kém mấy cũng chấp nhận. Chứ đâu có ai nghĩ có ngày những tấm ảnh ấy lại nằm trong xe rác thế kia đâu.

Chị họ tôi làm công nhân môi trường, chị bảo chuyện ảnh cưới nằm trong xe rác là chuyện quá bình thường. Mấy chị em trong tổ còn trêu nhau rằng “ảnh đẹp lung linh thế này giá mà là ảnh người mẫu hay ca sĩ diễn viên thì có khi còn mang về nhà treo cho đỡ phí”.

Thực tế thì chuyện cưới xin chỉ là hình thức để vợ chồng ra mắt họ hàng, bạn bè. Điều cốt yếu là họ ăn ở đối xử với nhau ra sao, chứ tôi thấy các bạn trẻ bây giờ ngày càng lãng phí.

Vợ chồng tôi cưới nhau cách đây 10 năm, một đám cưới đơn giản đúng nghĩa. Khi ấy hai vợ chồng mới đi làm nên cũng không có nhiều tiền, mà có cũng không làm đám cưới rình rang. Hôm chụp ảnh cưới tôi mặc áo dài, may rất đơn giản và không thuê người trang điểm cầu kỳ. Thợ chụp ảnh thuê ở làng rồi đi khắp vùng quê tìm cảnh nào đẹp thì chụp sau đi xa còn làm kỷ niệm quê hương luôn.

{keywords}
Ảnh minh họa.

Ngày cưới không có nhẫn cưới hay đi trăng mật gì cả. Khách mời thì ngoài khách của bố mẹ còn lại là bạn bè thân quen. Đồng nghiệp cũng không mời lung tung mà ai trực tiếp làm việc với mình và lãnh đạo thì mình mời. Cũng có thể nhiều người trách nhưng tôi cho là không tránh được. Điều làm tôi tính toán nhiều nhất lúc ấy là việc phải làm sao để mọi người dự đám cưới của mình phải được an toàn về mọi mặt: không rượu chè say xỉn, không tai nạn,…

Tiếp đó là vấn đề cỗ bàn, cũng cần tính toán cẩn thận. Nhưng không phải tính để tương ứng với tiền mừng mà tính làm sao cho mọi người được ngon miệng, bảo đảm vệ sinh. Đặt cỗ ở nhà hàng nên mình phải tìm hiểu chán chê, hỏi đi hỏi lại nhiều người rồi mới quyết định. Cưới xong xuôi tiền mừng mình chi trả còn dư đúng 500 nghìn, đủ tiền hai vợ chồng bắt xe về quê làm lễ lại mặt theo tục lệ.

Với mình, đám cưới đơn thuần là thủ tục để “hợp pháp” theo lệ làng cho hai người trở thành vợ chồng danh chính ngôn thuận. Không cần toan tính lãi lỗ hay cưới to nhỏ vì thể diện gì cả, đám cưới càng nhỏ hạnh phúc càng to. Cuộc sống hiện tại của vợ chồng mình là một minh chứng cho điều đó.

Thời bố mẹ chúng mình ngày xưa, cưới còn không có quần áo mới để mặc chứ đừng nói là chụp ảnh ọt gì, vậy mà họ vẫn ăn đời ở kiếp đối xử tử tế với nhau. Còn các bạn trẻ thời nay thì sao, các bạn cứ chạy đua theo thiên hạ, lãng phí tiền của cho sự rình rang không cần thiết. Nhưng rốt cuộc vẫn đường ai người ấy đi, ảnh cưới đẹp lung linh hoành tráng vẫn nằm gọn trong xe rác.

Đừng nặng nề quá chuyện cưới xin, “liệu cơm mà gắp mắm”, tùy điều kiện thôi các bạn ạ.

Hạ Vy (Bắc Ninh)