Tỷ phú của các tỷ phú Sài Gòn xưa

Thập niên 1960, người dân Sài Gòn không ai không biết đến danh tiếng Trần Thành, vị doanh nhân được mệnh danh là “tỷ phú của các tỷ phú Sài Gòn”. Tuy nhiên đến nay, có rất ít tài liệu ghi lại cuộc đời từ thuở thiếu thời của ông.

Sách Những gương mặt tỷ phú Sài Gòn trước năm 1975 của tác giả Dương Đức Dũng cũng chỉ ghi, Trần Thành sinh ra trong một gia đình người Hoa gốc Triều Châu. Ông rời quê hương, đến vùng Chợ Lớn vào những năm 1940.

Trước tháng 8/1945, Trần Thành còn là cậu thanh niên bữa đói, bữa no, lê mòn đôi dép đi xin việc tại các hãng, xưởng của người Hoa ở vùng Chợ Lớn. Cuối cùng, Trần Thành được người chủ xưởng chế biến dầu thực vật họ Trịnh nhận vào làm. Công việc là cọ rửa thùng chứa dầu.

Chàng trai không chê lương bèo bọt, làm việc rất chăm chỉ. Nhờ sự cần mẫn, trung thành, anh được ông chủ họ Trịnh rất mực tin tưởng, yêu mến.

ti phu-1.jpg
Tờ quảng cáo bột ngọt Vị Hương Tố của tỷ phú Trần Thành. Ảnh sưu tầm

Ông chủ từng bước giao cho cậu thanh niên cọ thùng chứa dầu các vị trí: Phụ trách khâu vệ sinh nhà xưởng; quản lý vật tư và thu mua nguyên liệu sản xuất. Được giao trọng trách thu mua nguyên liệu, Trần Thành mở rộng địa bàn ra khắp các tỉnh miền Nam và sang cả Campuchia.

Từng bước, Trần Thành trở thành nhà cung cấp độc quyền nguyên liệu sản xuất cho xưởng chế biến dầu ăn của ông chủ họ Trịnh. Sau đó, Trần Thành tách ra để kinh doanh độc lập.

Trần Thành được ông chủ họ Trịnh tin tưởng, cho vay vốn để xây dựng cơ nghiệp riêng. Với đầu óc kinh doanh nhạy bén, đặc biệt đề cao chữ tín, chỉ trong thời gian ngắn, Trần Thành thâu tóm tất cả nguồn nguyên liệu, trở thành nhà cung cấp độc quyền cho các cơ sở sản xuất dầu ăn.

Tuy nhiên, đỉnh cao sự nghiệp của Trần Thành chỉ đến sau khi ông quyết định nhập dây chuyền sản xuất bột ngọt của Nhật Bản về Sài Gòn. Năm 1960, ông thành lập công ty Thiên Hương để sản xuất bột ngọt hiệu Vị Hương Tố.

Bột ngọt Vị Hương Tố ngay lập tức chiếm được thị phần nhờ chất lượng tốt, giá rẻ. Chỉ trong một thời gian ngắn, bột ngọt của ông chiếm đến 80% thị trường. 

Không lâu sau, Vị Hương Tố dần đánh bật sản phẩm bột ngọt của Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) khỏi thị trường trong nước. Trần Thành từ “ông trùm” nguyên liệu sản xuất dầu ăn trở thành “vua bột ngọt” tại Sài Gòn.

Thành công trên giúp “vua bột ngọt” có đủ vốn đầu tư, phát triển thêm các mặt hàng mì ăn liền, nước tương, tàu vị yểu… Những mặt hàng trên đều thành công và mang lại cho ông nguồn lợi nhuận khổng lồ.

Lợi nhuận ấy giúp ông thoải mái đầu tư ở nhiều lĩnh vực kinh doanh khác như ngũ cốc, khách sạn, nhà hàng, bệnh viện, trường học…

Sau khi chiếm lĩnh thị trường trong nước một cách vững chắc, Trần Thành dần lấn sang thị trường nước ngoài. Ông tung vốn đầu tư vào bất động sản, nhà hàng, khách sạn ở Singapore; Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc)…

Người cùng thời không có bất cứ con số thống kê cụ thể nào về tài sản của “vua bột ngọt”. Tuy nhiên, với sản nghiệp trải rộng từ trong nước ra nước ngoài, người Sài Gòn xưa phong cho doanh nhân Trần Thành là “tỷ phú của các tỷ phú”.

Vung tiền chinh phục mỹ nhân

Trong tác phẩm Những gương mặt tỷ phú Sài Gòn trước năm 1975, tác giả Dương Đức Dũng nhận định: “Với Trần Thành, làm ăn là phải cần kiệm và hết sức giữ mình, phải tránh khỏi các thói đam mê ăn chơi, tiêu xài phung phí”.

Đặc biệt, ông thường nhấn mạnh quan niệm: “Làm ăn cũng khổ như đi tu. Phải tránh cờ bạc, rượu chè, trai gái, hút xách”. Tuy nhiên, khi có tài sản khổng lồ, ông cũng hưởng thụ, sa đà vào những cuộc tình ngốn tiền của.

W-vua-bot-ngot.jpg
Một địa chỉ trên đường Hải Thượng Lãn Ông, phường 10, quận 5 - nơi trước kia là trụ sở công ty Thiên Hương của ông Trần Thành. Ảnh. Hà Nguyễn

Nổi tiếng nhất trong số này là cuộc tình chóng vánh nhưng tiêu tốn không ít tiền giữa ông và nữ ca sĩ, diễn viên điện ảnh nổi tiếng của Đài Loan (Trung Quốc) Thang Lan Hoa. Theo tác giả Dương Đức Dũng, tỷ phú Trần Thành gặp gỡ nữ diễn viên Thang Lan Hoa trong một lần bà đến Sài Gòn biểu diễn.

Theo các tư liệu cũ, nữ nghệ sĩ Thang Lan Hoa sinh năm 1951 tại Alishan, Đài Loan (Trung Quốc). Năm 18 tuổi, Thang Lan Hoa đã tham gia đóng phim và nổi tiếng xinh đẹp. Ngoại hình của Thang Lan Hoa khiến thế giới cho rằng, những cô gái đến từ Alishan đều là mỹ nhân.

Khi Thang Lan Hoa sang Sài Gòn biểu diễn, “vua bột ngọt” Trần Thành đã mê đắm vẻ đẹp sắc nước hương trời của nữ nghệ sĩ dù lúc đó, ông đã có gia đình.

Ông tìm mọi cách làm quen, gần gũi để chinh phục người đẹp. Sách Những gương mặt tỷ phú Sài Gòn trước năm 1975 viết: “Để có được cảm tình của người đẹp, ông đã không ngần ngại tiêu xài những món tiền to, những quà tặng đắt giá, những chuyến du lịch tốn kém ở Đài Loan, Hồng Kông”.

Cuối cùng, những viên đá quý đắt giá trong thế giới kim hoàn, vô số chuyến du lịch hạng sang… đã làm xiêu lòng minh tinh xứ Đài. Tuy nhiên, mối tình nhuốm màu kim tiền ấy không kéo dài được lâu.

Sau ít thời gian mặn nồng, tiêu tốn tiền bạc, tỷ phú Trần Thành và nữ nghệ sĩ chia tay. Tuy nhiên, cuộc chia ly ấy không khiến "vua bột ngọt" Sài Gòn đau lòng. Ngược lại, nó chỉ là sự khởi đầu cho tình trường nhiều trắc trở của ông.

Chia tay Thang Lan Hoa không lâu, trong một dịp sang Singapore làm ăn, tỷ phú Trần Thành gặp gỡ và có quan hệ yêu đương với một phụ nữ khác. Lần này, ông và cô gái Singapore có một người con chung.

Tuy vậy, không có nhiều tài liệu về cuộc tình này. Cả hai không có với nhau quá nhiều kỷ niệm mặn nồng. Bởi, năm 1972, khi đến vũ trường Maxim’s chơi, ông đã gặp gỡ và yêu một cô vũ nữ.

Một số tài liệu cũ ghi lại rằng, cô vũ nữ trên trẻ hơn vị tỷ phú rất nhiều. Cô không chỉ xinh đẹp mà còn được lòng mọi người. Thế nên, khi trở thành nhân tình của vị tỷ phú, cô được ông hết mực cưng chiều.

Đổi lại, người này cũng hy sinh tuổi trẻ của mình để chăm lo cho “vua bột ngọt”. Thậm chí, ngay cả khi ông không còn tài sản, bà vẫn ở bên cạnh chăm sóc, yêu thương ông.

Sau năm 1975, tỷ phú Trần Thành ra nước ngoài định cư. Từ đó, người dân không còn nhiều tin tức về hậu vận và tình trường của vị tỷ phú từng được mệnh danh là người giàu có bậc nhất Sài Gòn trước đây.

Kỳ tới: Vung tiền tỷ chiều vợ ngoại quốc, ‘vua bột giặt’ Sài Gòn lâm cảnh trắng tay