Chế độ Night Sight trên Google Pixel 3 cho phép người dùng chụp phơi sáng không thua kém các máy DSLR cao cấp đã mở ra kỷ nguyên siêu làm giả mới cho nghệ thuật nhiếp ảnh smartphone.
Smartphone của Google có siêu năng lực mà những cỗ máy chất lượng hơn nó phải bó tay: Nhìn được những chi tiết trong bóng tối mà thậm chí mắt người cũng không nhìn thấy được.
Camera trên điện thoại ngày càng cho ra những bức ảnh đẹp hơn, nhưng bao nhiêu phần trăm trong đó là thật? Ảnh: Washingtonpost. |
Nghệ thuật là ánh trăng lừa dối
Night Sight là một bước tiến đột phá trong chụp hình bằng smartphone, là ví dụ điển hình cho thấy ảnh chụp ngày càng trở nên giả mạo một cách đầy nghệ thuật.
Trước đây, đa số người dùng đều không thích ảnh chụp chính mình. Thực tế mà nói, nghệ thuật chụp ảnh chưa bao giờ đơn thuần nhằm thu được hình ảnh chính xác của vật thể hay cảnh trí. Người ta thường thích những bức ảnh đậm tính nghệ thuật, hay nói cách khác, là cảnh không có thực nhưng phải đẹp.
Những bức ảnh nghệ thuật thường chỉ được số ít người có khả năng thực hiện trên các máy ảnh kỹ thuật chuyên dụng. Giờ đây, AI có thể làm điều tương tự, và người người nhà nhà đều có thể dùng AI.
Hiện tại, Night Sight chỉ mới là chế độ phơi sáng thông minh trên điện thoại của Google. Nhưng nó đã kéo theo một trào lưu “camera AI” trên thị trường. Các nhà sản xuất không còn quan tâm đến độ chân thực của các bức ảnh nữa, cái mà họ cần là việc chúng có đẹp hay không.
Chế độ portrait mode của iPhone cho phép người dùng xóa phông đằng sau bằng cách nhận diện đặc điểm của khuôn mặt và tách chúng ra khỏi bức ảnh. Các điện thoại chuyên selfie thì có khả năng chụp ra những gương mặt đẹp không tì vết. Còn chế độ HDR gộp nhiều tấm ảnh để thể hiện được dải tương phản cao hơn cả mắt người đã trở thành tiêu chuẩn của mọi điện thoại, điều mà trước đây chỉ có trên các máy ảnh cao cấp.
Hãy thử dùng một chiếc iPhone 6 từ năm 2014 và iPhone XR mới nhất để chụp cảnh hoàng hôn, bạn sẽ thấy sự khác biệt to lớn. Chiếc iPhone mới cho ra ảnh giống như một bức tranh màu nước chứ không còn là “ảnh”, theo Washington Post.
Nói không ngoa, smartphone gần như đã cào bằng nhiếp ảnh gia và người dùng thường. Trước đây, cần có công cụ đặc biệt và kiến thức chuyên môn mới chụp được cảnh hoàng hôn. Bây giờ, chỉ cần có iPhone mới.
Trí tuệ nhân tạo và các phần mềm tiên tiến đã làm được điều nhiều thứ. Chúng tạo ra những bức ảnh đẹp, thậm chí quá đẹp so với yêu cầu. Chỉnh sửa ảnh cũng không còn cần tới kĩ năng Photoshop siêu hạng. Chỉ cần thao tác nhẹ trên vài phần mềm để xử lý
Smartphone đã được chuyển thành một cỗ máy biết cách chụp ra những tấm hình biết chiều ý người dùng, chứ không hẳn là "bắt được khoảnh khắc. “Nghệ thuật là ánh trăng lừa dối”, câu nói này chưa bao giờ đúng hơn.
Ảnh chụp bằng Night Sight của Google và iPhone XS Max. Ảnh: The Washington Post. |
Phần mềm lên ngôi
Chụp ảnh trên điện thoại đã trở thành một thứ phức tạp hơn là chỉ thu lại ánh sáng bằng các cảm biến. Đương nhiên, phần cứng rất quan trọng và vẫn được cải thiện ngày càng tốt hơn theo thời gian.
Nhưng đây là thời đại của phần mềm. Chúng chính là nguyên nhân làm cho các tấm ảnh ngày càng… đẹp hơn. Điện thoại bị giới hạn bởi kích thước ống kính và cảm biến bên trong. Do đó, chúng không thể đọ sức với các máy ảnh thực thụ.
Các nhà sản xuất buộc phải tìm một cách khác để so bì. Bằng cách chụp nhiều tấm ảnh và gom lại làm một, điện thoại có thể cho ra ảnh chụp đẹp gần tương đương với máy ảnh.
"Các điện thoại mới từ Apple, Samsung và Huawei đều sử dụng kỹ thuật này, nhưng chúng tôi mới là cái tên dẫn đầu cho trào lưu nhiếp ảnh AI", Marc Levoy, giáo sư khoa học máy tính, hiện làm việc trong nhóm phát triển camera của Google nói.
Nicolas Touchard, Phó giám đốc marketing tại DxOMark Image Lapbs, bên độc lập chuyên kiểm định camera cũng chung nhận định. Nhưng, ưu thế về phần mềm có giúp Google vượt qua Samsung hay Apple lại là một câu chuyện khác.
Tuy nhiên, Night Sight thực sự đáng gờm. Bằng cách chụp 15 tấm ảnh trong điều kiện thiếu sáng rồi tổng hợp lại để làm rõ gương mặt và nhiều chi tiết khác, người dùng sẽ có một tấm ảnh rõ không cần đèn flash. AI tự động vẽ thêm màu sắc dựa trên thông tin ít ỏi có sẵn.
Bất cứ ai từng chụp hình trong điều kiện thiếu sáng bằng máy ảnh truyền thống đều biết rằng, rất khó giữ yên camera tránh rung lắc gây mờ. Nhưng với Night Sight, trước khi bấm nút chụp, điện thoại đã đo độ rung của tay và khử chúng bằng một loạt ảnh chụp vào đúng thời điểm giữa các chuyển động rung.
Làm cách nào AI có thể chọn màu sắc cho vật thể khi ngay cả mắt con người cũng chỉ thấy lờ mờ trong đêm? Chưa kể cảm biến camera trên smartphone cũng chỉ nhỏ bằng cái móng tay.
Điều camera thấy và làm ra được lại không liên quan gì tới nhau. Tấm ảnh dưới đây sẽ cho bạn biết máy ảnh của Google thực sự “thấy” cái gì.
Tấm ảnh bên phải là thứ camera bắt được, còn bên trái là điều Google muốn người dùng thấy. Ảnh: The Washington Post. |
Hàng giả nhưng được lòng người dùng
Câu hỏi đặt ra: Nếu điện thoại tự tô màu cho ảnh để chiều lòng người dùng, thì đó là một bức ảnh hay bức tranh được vẽ bởi AI? Các công nghệ đột phá thường dẫn tới cuộc tranh luận về đúng sai, thực giả và cần có thời gian để số đông chấp nhận.
Nhưng suy cho cùng, “giả” có nghĩa thế nào? Người ta đã dùng Photoshop chỉnh sửa ảnh từ rất lâu, trước đó nữa phim chụp cũng không có màu, chỉ là sự phản ánh lại màu sắc mà thôi. Thế nên mới có cả tá loại phim chụp, người thì thích ảnh ám xanh, người thì thích tương phản cao, hoặc ảnh mịn da…
Tất cả đều phụ thuộc vào mong muốn của người dùng. Không có công nghệ nào thực sự phản ánh chính xác thực tế, ngay cả hình ảnh mà ta tận mắt chứng kiến, cũng là sự giả lập lại tín hiệu ánh sáng từ mắt của não bộ. Chính vì thế nên mới có người thấy đẹp, kẻ lại thấy xấu.
Vậy thì AI trong nhiếp ảnh cũng chỉ là một bước phát triển nữa của lĩnh vực này. Có thể các phần mềm sẽ làm gương mặt của bạn “ít chi tiết hơn” và “giả” hơn, nhưng có người thích như vậy, nên công nghệ sẽ chiều lòng người dùng.
Suy cho cùng, ai cũng muốn có một gương mặt đẹp. Ai cũng muốn nhìn được trong đêm. Ai cũng muốn chỉ cần một nút bấm là có ảnh đăng Facebook. Và AI làm được điều đó.