Động thái diễn ra theo đúng thỏa thuận "chia tay" mà chính phủ Anh đã ký với EU hồi tuần trước. Hiện sẽ là giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 11 tháng để cả London và Brussels có thể giải quyết các vấn đề kinh tế còn tồn tại với trọng tâm là các quan hệ thương mại trong tương lai.

Con đường dài, đầy trắc trở để dẫn tới cuộc "ly hôn" lịch sử này đã bắt đầu cách đây 3 năm rưỡi khi 52% người Anh bỏ phiếu trưng cầu dân ý ủng hộ việc đưa đất nước rời khỏi EU. Ba thủ tướng, 2 cuộc tổng tuyển cử cùng rất nhiều lo lắng, tranh cãi và bế tắc xảy đến tiếp sau đó nhưng ngày định mệnh rốt cuộc cũng đến.

Theo BBC, cả hai phe ủng hộ và phản đối Anh rời khỏi EU (Brexit) đã tổ chức các hoạt động kỷ niệm sự kiện trong ngày 31/1 tại đảo quốc sương mù. Trong khi phe ủng hộ Brexit ăn mừng tại nhiều địa điểm trên khắp toàn quốc thì một nhóm nhỏ khoảng vài trăm người phản đối Brexit đã tuần hành để bày tỏ sự phẫn nộ tại phố Downing ở thủ đô London, nơi đặt văn phòng Thủ tướng Anh.

Trong một thông điệp ghi âm sẵn để phát một giờ trước thời khắc lịch sử, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định, Brexit là cơ hội để khiến nước này trở thành nơi tốt đẹp hơn.

"Điều quan trọng để tuyên bố tối nay là, đây không phải sự kết thúc mà là sự khởi đầu. Đối với nhiều người, đây là một khoảnh khắc hy vọng đáng kinh ngạc, một khoảnh khắc mà họ nghĩ sẽ không bao giờ đến. Và tất nhiên còn có rất nhiều người cảm thấy lo lắng và mất mát. Cũng có một nhóm người thứ ba, có lẽ là nhóm lớn nhất, bắt đầu lo âu rằng toàn bộ cuộc tranh luận chính trị sẽ không bao giờ chấm dứt. Tôi hiểu tất cả những cảm giác đó và công việc của chúng tôi, chính phủ là gắn kết đất nước này và đưa chúng ta cùng tiến về phía trước", ông Johnson nói.

{keywords}
Những người ủng hộ Brexit ở Anh ăn mừng khoảnh khắc lịch sử. Ảnh: Reuters

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Quốc hội châu Âu David Sassoli đã cùng đứng tên viết một bài xã luận trước khi Anh chính thức rời EU, với nội dung trấn an rằng Brussels sẽ tiếp tục hợp tác với London trong nhiều vấn đề khác nhau hậu Brexit.

Trong quá trình chuyển giao, Anh vẫn tiếp tục tham gia các thỏa thuận thương mại chung của EU nhưng có thể đàm phán đàm phán những thỏa thuận thương mại mới với các quốc gia khác cũng như chính EU. Ngoài thương mại, Anh và EU sẽ phải làm rõ các chi tiết liên quan đến mối quan hệ của họ về an ninh, ngư nghiệp và các lĩnh vực khác.

Michel Barnier, trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU nhận định, 11 tháng của giai đoạn chuyển tiếp có thể không đủ để cả hai bên nhất trí về mọi khía cạnh của mối quan hệ trong tương lai.

Tuấn Anh