Mỗi lần người lớn nói chuyện, hỏi han bố mẹ tôi… là y như rằng bao giờ cũng phải có một câu kết luận: “Anh chị như thế, cháu nó học không giỏi mới là lạ chứ!”
Từ chuyện mắc kẹt trong danh tiếng của bố mẹ…
Mỗi dịp năm học kết thúc, các bậc phụ huynh lại có dịp khoe giấy khen, bảng điểm xuất sắc của con lên mạng xã hội, lại hàng trăm “like,” hàng chục lời tung hô và không hiếm những lời khen: “Anh/ chị như thế, cháu không giỏi mới là lạ!” Không khó để những lời khen, tung hô đó đến được tai con của chúng ta, và chúng sẽ “mắc kẹt” vào cái tiêu chuẩn đó.
Tôi là con của một cô giáo còn bố là kiến trúc sư – điều đó làm cho tôi thời học sinh phải chịu một sức ép không nhỏ. Mỗi lần người lớn nói chuyện, hỏi han bố mẹ tôi… là y như rằng bao giờ cũng phải có một câu kết luận: “Anh chị như thế, cháu nó học không giỏi mới là lạ chứ!” Tất cả với tôi như một con đường vạch sẵn, nhỏ học lớp chuyên, lớp chọn; đi thi đại học là phải đỗ vào trường danh tiếng hoặc đủ điểm đi du học nước ngoài.
Đó là thời xưa, người ta thông tin chia sẻ với nhau chỉ bằng cách trò chuyện trực tiếp hoặc cơ chế… tin đồn. Tiếng lành đồn xa thì tiếng dữ cũng đồn xa – một anh bạn học cùng, cũng con cô giáo nhưng vì học trường mẹ dạy, được nuông chiều sinh hư, học hành chểnh mảng và nghịch phá… thì người ta cũng có những lời kiểu như “Con cô giáo mà chán thế!”, “Được nuông chiều quá sinh tệ!”…
Bây giờ có các diễn đàn trực tuyến rồi đến thời của mạng xã hội, tình trạng còn trở nên nghiêm trọng hơn. Chỉ cần tham gia vài diễn đàn quan tâm đến nuôi dạy con, thì có thể nhận ra nhiều điều. Không thiếu những “cặp vợ chồng tiêu chuẩn” như vợ cô giáo chồng bác sỹ, chồng thày giáo vợ nhân viên cấp cao công ty nước ngoài… và không thiếu những cặp vợ chồng đều có gốc du học về; tất cả đều được nâng tầm và cái tiêu chuẩn đó được áp vào cho con cái.
Cái gì cũng có hai mặt của nó, mặt tích cực, khi có một tiêu chuẩn cao đồng nghĩa với việc con cái chúng ta có ý chí phấn đấu để xứng đáng với nó. Mặt khác, cháu cũng sẽ đối mặt với áp lực kinh khủng và nhiều khi làm mất đi những điều đẹp đẽ nhất của tuổi thơ mà nhẽ ra các cháu được hưởng.
Có lần tôi đọc đoạn chia sẻ của một cô giáo về con của mình: “Mẹ nghĩ đến việc con có giành được “full” học bổng hay không…,” dù có nói ra là có hay không mong muốn, đặt mục tiêu nhưng điều đó thể hiện, cô đang mơ, cô đang đặt kỳ vọng, cô đang đặt gánh nặng lên vai con.
Ảnh minh họa |
Ngày qua ngày, chúng ta hoàn toàn không nhận thấy cái kỳ vọng ấy nó lớn dần lên thành tham vọng, vì chúng ta đã quen với nó. Chúng ta không nhận thấy cái tham vọng nó đã ăn vào máu của chúng ta, chúng ta đã coi nó là bình thường.
Thế nếu con cái chúng ta không thể đạt được những điều như bố mẹ chúng kỳ vọng thì sao? Hoàn toàn có thể lắm chứ!
…Đến việc dạy con đối mặt với thất bại
Làm cha mẹ ở giai đoạn chăm con đi học, nghĩa là đã đi non nửa cuộc đời rồi, chúng ta thừa hiểu không ai nắm tay được từ sáng đến tối, thành công đến thì chắc chắn sẽ có lúc thất bại cũng đến. Khi con cái chúng ta chuẩn bị đến một kỳ thi quan trọng, đồng nghĩa với việc phải chuẩn bị cho chúng khả năng đối mặt với thất bại.
Người lớn cũng đến lạ, đẩy con cái vào những tham vọng rất lớn rồi lại phải chuẩn bị cho chúng tâm lý đón nhận thất bại. Nếu chúng ta không đẩy chúng vào những tham vọng lớn từng đó, thì cũng đồng nghĩa với việc giúp con chuẩn bị tâm lý đón nhận thất bại, nó cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Tại sao bây giờ lại có các phong trào “sống chậm” hay người ta đua nhau đi tập Yoga, học Thiền, kể cả ở Phương Tây vốn là chỗ con người cực kỳ năng động và tích cực? Từ trước đến nay chúng ta vốn coi việc phấn đấu hết sức để đạt được những mục tiêu cũng cực kỳ to lớn, vĩ đại là tiêu chuẩn của một cách sống năng động và tích cực; mà quên đi những điều quan trọng không kém là cuộc sống ấy cũng cần sự bình dị, cân bằng, thanh thản và hạnh phúc.
Khi mà Phương Tây còn quay sang học Phương Đông để “sống chậm” thì chúng ta lại không chấp nhận cách sống “chạy nửa ga” nghĩa là các tầm tầm trung bình hoàn toàn không có trong suy nghĩ của các ông bố bà mẹ hiện đại ngày nay.
Điều quan trọng là mỗi thành viên trong gia đình phải có được một cuộc sống hạnh phúc và thanh thản. Dạy con có ý chí phấn đấu là tốt và cần thiết, nhưng cũng nên dạy chúng cân bằng, vừa phải, biết nhận ra những niềm vui của cuộc sống xung quanh và tận hưởng chúng.
>> XEM THÊM
Đường lên đỉnh Olympia hay đường 'cắm chốt'... Australia?
Huy chương Toán quốc tế: Đằng sau chuyện đi hay ở
Giảng viên Ngoại thương kể phút vỡ trận 'chứng khoán đại học'
Bố mẹ Việt đang tước... 85% cơ hội thành công của con!
Học sinh Việt Nam hãy bớt... giỏi đi!