- Gia đình tôi có 6 anh chị em đều đã trưởng thành và có gia đình riêng. Cách đây không lâu, bố mẹ tôi qua đời để lại di chúc miệng là tài sản của các cụ (bao gồm 01 căn nhà, 300m2 đất ở, tổng trị giá 2 tỷ) được trao lại cho người con thứ (sống bên cạnh và có mảnh đất giáp ranh với đất của các cụ).

Nay anh chi em gia đình chúng tôi muốn thực hiện di chúc của các cụ. Sự việc được đưa ra trong việc họp gia đình. Mọi người trong nhà (trừ người con thứ được bố mẹ cho đất) đều nhất trí thức hiện theo di chúc. Người con thứ không đồng tình với lý do: tài sản của bố mẹ để lại thì tất cả các con đếu có phẩn kế thừa như nhau và đề nghị đem bán và chia đều cho mọi người.

Hiện nay có hai ý kiến như vậy và có vẻ không đi đến thống nhất được. Vậy theo pháp luật thì chúng tôi có thể yêu cầu người em nhận thừa kế theo đúng di nguyện của bố mẹ được không?

 

Ảnh minh họa

Theo quy định pháp luật Dân sự, di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người để lại di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng. Tại Điều 629 Bộ luật Dân sự 2015, quy định:

Điều 629. Di chúc miệng

1. Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.

2. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

Di chúc miệng được coi là hợp pháp, được xác định là căn cứ để chia di sản thừa kế căn cứ vào khoản 5 điều 630 - Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể là:

5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Theo như bạn trình bày thì nếu di chúc miệng mà bố mẹ bạn không đáp ứng quy định pháp luật thì không là căn cứ để chia di sản. Trong trường hợp này di sản thừa kế được chia theo quy định của pháp luật. Di sản thừa kế của bố mẹ bạn để lại sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 651 gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định rõ,

Điều 620. Từ chối nhận di sản

1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.

3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.

Căn cứ theo quy định trên, di chúc miệng cần đáp ứng quy định pháp luật. Nếu di chúc miệng không hợp pháp thì di sản được chia theo pháp luật. Hàng thừa kế thứ nhất gồm: các con, bố mẹ của người để lại di sản ( nếu còn sống) sẽ khai nhận thừa kế và thỏa thuận phân chia di sản.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc