Trước khi đồng sáng lập ra OnePlus, Carl Pei hiểu rằng Trung Quốc, công nghệ tiêu dùng, và thương mại điện tử sẽ là những yếu tố làm thay đổi thế giới. Trong một chuyến thăm đến Trung Quốc khi còn tuổi teen, Pei phát hiện ra những thứ mà sau này đã đưa anh vào thế giới công nghệ tiêu dùng đang ngày một bùng nổ. Và trước khi kịp hoàn thành luận văn tốt nghiệp Đại học, Pei đã hết kiên nhẫn.
"Người ta không hề nhắc đến Trung Quốc và các công ty công nghệ lớn, và chúng tôi không được học gì về thương mại điện tử" - doanh nhân người Thuỵ Điển gốc Trung Quốc này nói về Trường Kinh tế Stockholm mà mình từng học như vậy.
Ở độ tuổi 21, Pei đã bỏ học và chuyển về Trung Quốc để theo đuổi hoài bão công nghệ của mình.
Vài năm sau, ông ty của anh, OnePlus, đã đạt được doanh thu 1 tỷ USD mỗi năm. Nó cũng đã cách mạng hoá thế giới smartphone Android và biến mình thành một kẻ thách thức hết sức nghiêm túc đối với những gã khổng lồ như Apple và Samsung.
Thành lập tại Thâm Quyến, Trung Quốc, bởi Pei và CEO Pete Lau vào năm 2013, OnePlus đã giới thiệu một chiếc smartphone Android cao cấp có khả năng cạnh tranh với iPhone, nhưng giá rẻ hơn nhiều. Để có được mức giá rẻ này, OnePlus đã không sử dụng phương thức bán hàng qua đại lý, và thay vào đó sử dụng thương mại điện tử làm kênh bán hàng chính.
Dưới đây là bài phỏng vấn mới nhất của Business Insider với Carl Pei, nhằm tìm hiểu về chiếc OnePlus mới nhất - kẻ thách thức mới của công ty đối với iPhone X, và tại sao doanh nhân trẻ tuổi này lại gửi các sinh viên Thuỵ Điển sang Trung Quốc để trải nghiệm về "Phương Đông hoang dã".
Tom Turula: Anh nghĩ gì về sự đón nhận của mọi người đối với OnePlus 6? Đến nay các anh đã bán được hơn 1 triệu máy trong chưa đầy 3 tháng.
Carl Pei: Mẫu máy đầu tiên của chúng tôi gần 1 năm mới đạt được doanh số 1 triệu - lần này chỉ mất 22 ngày. Với mỗi chiếc điện thoại được tung ra, chúng tôi bán nhanh hơn và nhiều hơn. OnePlus 6 là chiếc điện thoại tốt nhất của chúng tôi cho đến nay, và doanh số đang tiếp tục cực tốt.
Turula: Tính năng yêu thích của khách hàng là gì vậy?
Pei: Mọi người thích trải nghiệm tổng thể, nhưng đặc biệt là camera. Quả thực, camera là một trong những tính năng quan trọng nhất đối với người dùng smartphone, và chúng tôi đã cải tiến nó đáng kể trên OnePlus 6.
Turula: Phản hồi của khách hàng quan trọng như thế nào?
Pei: Cộng đồng rất quan trọng đối với sự phát triển sản phẩm của chúng tôi. Ở Thuỵ Điển, chúng tôi vừa sắp xếp được một sự kiện nhằm thu thập phản hồi về mối quan hệ giữa sản phẩm và khách hàng. Sau đó chúng tôi nghiên cứu một số thứ xoay quanh phản hồi này nhằm cải thiện sản phẩm của mình.
Turula: Vậy nó là một phần trong quá trình phát triển sản phẩm của các bạn, việc lắng nghe khách hàng ấy?
Pei: Lắng nghe, đúng, nhưng cũng phải lọc ra nữa - khách hàng thực sự muốn gì? Mong muốn của họ không phải lúc nào cũng tương thích với thực tại, do đó bạn cần phải hiểu vấn đề cốt lõi của họ và những gì họ thực sự muốn nói trong các phản hồi.
Ví dụ, với chiếc OnePlus One, nhiều khách hàng phản đối màn hình 5.5-inch và cho rằng nó quá lớn. Nhưng chúng tôi đã bo tròn các góc màn hình, biến chiếc điện thoại có cảm giác như một chiếc điện thoại 5-inch vậy.
Turula: Tại sao truyền miệng lại là một công cụ marketing quan trọng đến vậy đối với OnePlus?
Pei: Sẽ hiệu quả và chân thực hơn nếu bạn làm ra một sản phẩm tốt và thông qua các khách hàng truyền bá rộng rãi thông tin về nó ra thế giới, thay vì chi tiền vào các bảng hiệu và quảng cáo TV. Đó là điều chúng tôi luôn đặt lòng tin vào.
Turula: Tại sao ban đầu anh lại quyết định thành lập OnePlus và thách thức Apple cũng như Samsung?
Pei: Chúng tôi cố tạo ra chiếc smartphone cân bằng nhất và trải nghiệm người dùng tốt nhất. Khi chúng tôi khởi đầu, có rất nhiều nhà sản xuất Android không chú ý đeens sản phẩm có họ. Họ mang những tính năng không cần thiết như theo dõi nhịp tim lên điện thoại. Họ tạo ra những chiếc điện thoại vỏ nhựa và không tốt về tổng thể. Chúng tôi nghĩ rằng hẳn phải có những người dùng Android muốn một sản phẩm chất lượng, như fan Apple vậy. Chúng tôi vẫn đang cố tạo nên thứ chúng tôi nghĩ là chiếc điện thoại Android tốt nhất có thể.
Turula: Gần đây có một so sánh cho thấy OnePlus 6 tương đương với iPhone X, dù giá rẻ hơn nhiều. Anh nghĩ gì về điều đó?
Pei: Thực ra các tính năng, chứ không phải sản phẩm, được lấy cảm hứng bởi iPhone. Apple bỏ ra rất nhiều thời gian và năng lượng cho chất lượng, thiết kế, và trải nghiệm người dùng. Đó cũng là những thứ chúng tôi đang phấn đấu. Hôm nay, Apple là sô 1, và không ngạc nhiên rằng mọi người so sánh điện thoại của chúng tôi với họ. Tôi không hẳn là rất vui về điều đó - tôi tin chúng tôi có thể tự mình nổi bật giữa đám đông.
Turula: Thế nhưng, một phần trong thành công của các bạn là các bạn đã kết hợp một số sức mạnh của điện thoại Apple với mức giá chấp nhận được của điện thoại Android. Giá cả quan trọng như thế nào?
Pei: Chúng tôi cố gắng tạo nên sản phẩm tốt nhất có thể, và sau đó chúng tôi quyết định mức giá dựa trên đó. Thực ra, chúng tôi nằm trong phân khúc đắt của thị trường điện thoại flagship, nhưng chúng tôi vẫn muốn rẻ hơn so với các điện thoại cao cấp khác.
Bán lẻ là một điều đắt đỏ đối với các nhà sản xuất, khi mà bạn cần phải trả tiền thuê cơ sở vật chất và đội ngũ bán hàng. Chúng tôi không làm điều đó - chúng tôi là một nhóm khá nhỏ đối với một hãng sản xuất smartphone. Chiến lược marketing của chúng tôi chủ yếu diễn ra trên Internet, hiệu quả hơn nhiều so với bỏ tiền ra mua các bảng biểu lớn hay các quảng cáo trên TV.
Chúng tôi có thể tái đầu tư tiền tiết kiệm được vào sản xuất một chiếc điện thoại tốt hơn, và giá tốt hơn cho người tiêu dùng. Chúng tôi không cố gắng để có giá rẻ. Ở châu Âu, giá smartphone trung bình là 235 USD, do đó thực tế thì chúng tôi đang nằm trong thị trường flagship cao cấp hơn một chút. Có rất nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt tại châu Âu, nơi một phần lớn người dân có thể chi trả cho những chiếc điện thoại flagship.
Turula: Anh là người gốc Trung Quốc nhưng lại lớn lên ở Thuỵ Điển. Có những thách thức nào khi mở rộng thị trường về Trung Quốc hay không?
Pei: Nếu bạn có một sản phẩm tốt, thì nó sẽ là sản phẩm tốt dù bạn ở Thuỵ Điển hay Trung Quốc. Lấy Apple làm ví dụ, hoặc hãng đồng hồ Thuỵ Điển Daniel Wellington - cả hai đều bán cực tốt ở Trung Quốc. Tất nhiên, có những thách thức, đặc biệt khi đó là một hệ sinh thái marketing và Internet hoàn toàn khác biệt. Các công ty nước ngoài có lẽ muốn làm quen với việc marketing trên WeChat và học cách "chơi" trong thị trường nội địa.
Turula: Trung Quốc đang tiến nhanh, và bạn đam mê nói về điều này với đất nước quê nhà của bạn, Thuỵ Điển. Bạn có ví dụ nào về tốc độ phát triển nhanh của Trung Quốc hay không?
Pei: Mọi thứ đang diễn ra thực sự nhanh ở đó. Ví dụ, Thâm Quyến mới đây cho biết mọi xe taxi trong thành phố sẽ phải điện hoá từ nay đến cuối năm. Trong 1 năm nữa, mọi xe hơi đều phải là xe điện. Khi người ta quyết định một thứ gì đó, nó diễn ra thực sự nhanh.
Mảng dịch vụ cũng có tốc độ nhanh vì cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Ví dụ, mới đây tôi sử dụng một dịch vụ để sơn lại tường căn hộ của mình. Dù tôi đang ở châu Âu, mọi việc chỉ mất vài ngày là xong. Công ty sơn tường lập ra một nhóm WeChat, nơi họ đăng hình ảnh căn hộ để tôi có thể theo dõi tiến độ từ xa. Thế là khi tôi trở lại, mọi nội thất đã vào vị trí cũ, và tường thì đã được đổi màu. Ở Thuỵ Điển, việc này có thể mất đến 2 tháng trong kỳ nghỉ lễ.
Turula: Bạn mới đây đã tung ra một chương trình giao dịch mới cho các sinh viên Thuỵ Điển nhen nhóm sự hào hứng của họ đối với kinh doanh và công nghệ Trung Quốc. Hãy kể thêm với chúng tôi về cảm hứng đằng sau sáng kiến này đi.
Pei: Cho đến gần đây, Thuỵ Điển chiếm tỉ lệ cao nhất trong các công ty thuộc nhóm Fortune 500 tính theo bình quân đầu người. Quốc gia này đã rất thành công, nhưng nếu chúng ta không giữ nhịp phát triển và bắt đầu học hỏi từ Trung Quốc, chúng ta sẽ gánh chịu nguy cơ tụt hậu đằng sau.
Tôi từng sống ở Trung Quốc trong một thời gian dài và đã chứng kiến sự phát triển thần tốc trong mảng công nghệ tại đây, nhưng bất kỳ khi nào tôi đến Thuỵ Điển, tôi lại để ý thấy người ta chẳng hề chú ý. Thuỵ Điển vẫn chủ yếu bám đuổi Mỹ, nhưng Mỹ lại đang bắt đầu bám đuổi Trung Quốc. Do đó tôi khá lo lắng rằng Thuỵ Điển sẽ không thể tiếp tục tạo nên các kỳ lân đơn giản vì thế giới này đang thay đổi nhanh hơn những gì người phương Tây đang thấy.
Chương trình "Khám phá Trung Quốc" sẽ đưa 16 sinh viên Thuỵ Điển tiềm năng sang Trung Quốc. Trong 2 tuần, họ sẽ được ghé thăm các công ty như Tencent, Baidu, và Alibaba, cũng như các doanh nghiệp Thuỵ Điển tại đây, ở 3 thành phố: Thâm Quyến, Thượng Hải và Bắc Kinh. Họ sẽ được thử nghiệm thanh toán di động với WeChat, thử các dịch vụ xe đạp cho thuê, và sau đó họ sẽ trở về Thụy Điển và nhân rộng kiến thức cũng như cảm hứng này với những người khác.
Hi vọng các sinh viên có thể trở thành một cầu nối giữa Thuỵ Điển và Trung Quốc - những người hiểu được cả hai nền văn hoá. Để khi họ sáng lập ra Spotify tiếp theo, họ sẽ nhìn nhận Trung Quốc như một thị trường tăng trưởng cực lớn.
Turula: Anh có đưa ra lời khuyên nào về mặt kinh doanh cho các sinh viên tham gia chương trình không?
Pei: Theo đuổi thứ gì đó bạn yêu thích. Nghe có vẻ sáo rỗng, nhưng để đạt được một thứ gì đó quan trọng sẽ mất rất nhiều thời gian và nỗ lực, bạn cần phải đảm bảo rằng bạn thích những gì bạn đang làm. Nếu không, bạn rất dễ bỏ cuộc.
Turula: Anh làm bao nhiêu giờ mỗi ngày?
Pei: Ít hơn một chút so với khi tôi mới khởi đầu. Tôi đoán là khoảng 10-12 tiếng/ngày.
Turula: Kỹ năng số 1 của Carl Pei là gì?
Pei: Tôi may mắn được lĩnh hội cả văn hoá phương Tây và châu Á. Có nghĩa là tôi thấy được liên kết giữa 2 lục địa. Ngoài ra, tôi không nghĩ mình đặc biệt. Nhưng vì tôi được tiếp xúc với nhiều thông tin hơn, tôi có thể dễ dàng nghĩ ra những ý tưởng mới.
Turula: Có rất nhiều người nói smartphone sẽ chết và bị thay thế bởi VR (thực tại ảo). Anh đồng ý không?
Pei: Không có chuyện đó đâu. VR từng được cho là sẽ thay thế smartphone, nhưng nó chẳng hề xảy ra. Chẳng ai dùng VR lúc này cả. Ngay cả nếu bạn có kính VR đi nữa thì chúng cũng đang phủ bụi trên kệ vì chẳng có ứng dụng thực tế nào để mang ra sử dụng cả. Chúng tôi chưa thấy điều đó xảy ra với VR, dù cơn sốt đã diễn ra nhiều năm rồi.
Turula: Vậy chúng ta sẽ không sống trong một cặp kính nữa?
Pei: Smartphone vẫn là trung tâm của đời sống số của mọi người và sẽ như vậy trong tương lai tới đây, ít nhất là trong thập kỷ tới.
Turula: Có phải trùng hợp không khi anh theo đuổi smartphone để thoả mãn đam mê của mình?
Pei: Tôi đã luôn hứng thú với smartphone. Ngày trước, tôi tạo ra một theme cho chiếc Sony Ericsson T610, chiếc điện thoại thanh ấy, do đó tôi luôn hứng thú với công nghệ và điện thoại. Đó là sản phẩm có tác động lớn nhất đối với toàn thể nhân loại. Mọi người dùng nó mỗi ngày, và nó tạo ra thị trường công nghệ lớn nhất ngày nay.
Turula: Bố anh từng rất lo lắng khi con trai mình bỏ Đại học. Nay ông ấy nói gì?
Pei: Chẳng gì cả, trừ việc ông vui và có lẽ tự hào nữa.
Theo GenK