- Tôi có qua lại với một người đàn ông có vợ, chúng tôi có một con chung 4 tuổi. Vợ anh không hề biết chuyện này vì tôi sống ở khác tỉnh. 

Anh thường xuyên xa nhà đi làm ăn nên qua lại với tôi. Anh rất tốt, lo cho mẹ con tôi nhưng bẵng đi cả tháng không thấy anh, tôi đánh liều gọi điện thì biết anh bị tai nạn giao thông qua đời.

Nếu anh còn sống tôi sẽ không công khai mọi chuyện, vì anh tốt anh luôn có trách nhiệm với mẹ con tôi. Nay anh không còn, tôi biết anh có để lại một khối tài sản lớn, nhà cửa, ôtô, công ty…Tôi một mình nuôi con nhỏ sẽ rất vất vả, tôi mong nhận được một khoản trợ cấp từ vợ anh ấy để tôi nuôi dậy con nhỏ, không biết có được không? Hay tôi có thể yêu cầu thay con tôi nhận phần thừa kế của cháu từ bố.

Xin tư vấn cho tôi, trong tình huống này tôi phải làm gì để đảm bảo quyền lợi cho con mình.

{keywords}
Ảnh minh họa 

Luật sư tư vấn:

Theo thông tin chị cung cấp, đối chiếu với các quy định pháp luật có liên quan, chúng tôi đưa ra quan điểm tư vấn như sau:

Mặc dù chị và cha của con chị không phải là vợ chồng hợp pháp nhưng theo quy định của pháp luật khi cha mất thì con chị vẫn được hưởng thừa kế phần di sản chia thừa kế mà cha của con chị để lại. Nhưng việc thừa kế này có thể xảy ra các trường hợp sau:

Thứ nhất, trường hợp cha của con chị trước khi mất có lập di chúc mà di chúc không để lại quyền thừa kế cho con chị thì cháu vẫn được hưởng hưởng một phần di sản thừa kế chia theo pháp luật mà không phụ thuộc vào việc anh kia không để lại di sản cho con chị căn cứ theo quy định của điều Điều 669 Bộ Luật Dân sự 2005 như sau:

" Điều 669. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này:

1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;"

Thứ hai, trường hợp cha của con chị khi mất mà không để lại di chúc thì di sản thừa kế mà anh kia để lại sẽ được chia theo pháp luật. Do đó con chị sẽ được xác định là người hưởng thừa kế theo hàng thừa kế thứ nhất và được hưởng một phần thừa kế bằng với phần mà vợ, con, cha, mẹ anh kia mỗi người được hưởng căn cứ quy định tại Điều 676 BLDS 2005:

" Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản."

Thứ ba, căn cứ vào quy định tại Điều 32, 33 Nghị định 158/2015/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định về quản lý và đăng ký hộ tịch thì theo nguyên tắc con chị có thể được xác nhận là con ruột của anh kia khi đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp xã với điều kiện bố của con chị còn sống. Nhưng đến việc nhận cha, con này được thực hiện sau khi anh kia mất nên muốn xác nhận cha ruột của con chị thì chị phải viết đơn yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

" Điều 32. Điều kiện đăng ký việc nhận cha, mẹ, con

1. Việc nhận cha, mẹ, con theo quy định tại Mục này được thực hiện, nếu bên nhận, bên được nhận là cha, mẹ, con còn sống vào thời điểm đăng ký nhận cha, mẹ, con và việc nhận cha, mẹ, con là tự nguyện và không có tranh chấp.

2. Người con đã thành niên hoặc người giám hộ của người con chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự cũng được làm thủ tục nhận cha, mẹ theo quy định tại Mục này, trong trường hợp cha, mẹ đã chết; nếu việc nhận cha, mẹ là tự nguyện và không có tranh chấp.

Điều 33. Thẩm quyền đăng ký việc nhận cha, mẹ, con

Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký việc nhận cha, mẹ, con."

Tư vấn bởi luật sư Hoàng Tuấn Anh, Công ty Luật Themis, ĐT: 0986663459. Mail: [email protected]

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).

Ban Bạn đọc