android.jpg
Linh vật Android xếp hàng tại sự kiện Google I/O cho lập trình viên hôm 10/5/2011. Ảnh: Reuters

>> Các nhà phát triển không còn chuộng Android/ Số dự án iOS “vượt” Android/ RIM, Microsoft dùng tiền lôi kéo nhà phát triển

Game video “Kingdom at War” phổ biến trên cả iPhone lẫn smartphone Android song với các nhà sản xuất game, có một khác biệt quan trọng: họ kiếm được nhiều gấp đôi tiền từ iPhone, iPad so với Android. Sự chênh lệch này là nhược điểm lớn cho Android và vì thế luôn là “hạng 2” trong mắt các nhà phát triển ứng dụng – những người muốn có doanh thu cao hơn từ nền tảng của Apple.

Nỗ lực của Google

Tuy nhiên, một số lập trình viên cho rằng xu thế đang thay đổi nhanh chóng. Chỉ 3 năm sau khi Google và các đối tác như Samsung, HTC ra mắt hàng loạt đối thủ của iPhone, hệ thống thanh toán tích hợp trong Android đã được cải thiện hơn, nhiều thiết bị cao cấp hơn xuất hiện và kho ứng dụng cũng được tân trang lại. Sau cùng, luồng tiền cho các nhà phát triển ứng dụng đã tăng lên.

Wilkins Chung – đồng sáng lập Thinking Aple, hãng sản xuất Kingdoms at War chia sẻ: “Khi Android mới xuất hiện, chúng tôi còn không nghĩ tới việc sẽ đi cùng Android. Bây giờ là thời điểm thích hợp để đầu tư thêm nhiều nguồn lực vào Android và tiến nhanh hơn, dù sao nó vẫn là dòng doanh thu lớn.”

Smule – một nhà phát triển ứng dụng khác – ra mắt ứng dụng Android đầu tiên vào mùa xuân năm 2012, gần 1 năm sau phiên bản cho iOS song tới tháng 7, công ty đồng thời tung ra cả ứng dụng cho Android và iOS. Năm tới, Smule hi vọng đưa tất cả ứng dụng mới cho cả hai nền tảng cùng lúc. Mức độ “tiền tệ hóa” của ứng dụng Android dù không tốt bằng iOS nhưng vẫn là “bất ngờ dễ chịu”, TGĐ Prerna Gupta của Smule nhận định.

Có được mạng lưới các nhà phát triển ứng dụng chất lượng là điều tối quan trọng cho Android khi cạnh tranh giữa Google, Amazon, Apple, Microsoft trong thị trường thiết bi di động ngày càng “nóng”. Thiết kế đẹp mắt và cấu hình “đỉnh” là những yếu tố bán hàng quyết định, nhưng chính ứng dụng và nội dung mới là gia vị cần thiết cho trải nghiệm sản phẩm tổng thể xuất sắc.

Richard Wong – chuyên gia phân tích của hãng đầu tư mạo hiệm Accel Partners cho rằng hiện không chỉ là cuộc chiến của riêng phần cứng mà trở thành “trận chiến hệ sinh thái”.

Trong năm 2012, Google gia tăng nỗ lực biến ứng dụng và các nội dung số khác trở thành tính năng nổi bật trên điện thoại và máy tính bảng Android. Hồi tháng 3, Google đại tu kho ứng dụng và đổi tên thành Google Play với giao diện gọn gàng hơn và lựa chọn nhạc, phim, game, ứng dụng xuất hiện ngay trên mặt tiền. Google Play hiện có 700.000 ứng dụng, gần cân bằng với App Store của Apple dù các chuyên gia vẫn đánh giá App Store sở hữu nhiều ứng dụng cao cấp hơn.

Google cũng mở rộng số quốc gia mà nhà phát triển có thể bán ứng dụng, thêm hỗ trợ cho thuê bao tháng/năm và hợp tác với nhà mạng như Verizon và NTT Docomo để người tiêu dùng trả tiền mua ứng dụng trực tiếp qua hóa đơn điện thoại. Android đặc biệt phổ biến với các nền kinh tế đang phát triển, nơi thẻ tín dụng ít phổ biến và do đó hóa đơn nhà mạng trở nên đặc biệt quan trọng.

Tầm quan trọng của thanh toán ngay trên di động

Hãng nghiên cứu Strategy Analytics thống kê tại Trung Quốc, smartphone Android chiếm xấp xỉ 88,7% lượng smartphone được giao trong quý III/2012 so với 60,5% tại Mỹ. Dù vậy, Android vẫn chưa thể hưởng lợi thế tuyệt đối về thị phần trước Apple và Amazon vì hai gã khổng lồ đều có kinh nghiệm nhiều năm về bán lẻ để đưa tính năng mua sắm trực tuyến vào trong thiết bị di động của mình. Người dùng của Amazon, Apple đã quen với việc mua bài hát, phim hay ứng dụng ngay từ thiết bị một cách đơn giản. Android còn cách ngưỡng của hai đối thủ khá xa dù đang cải thiện dịch vụ từng ngày.

Apple tuyên bố đã có 400 triệu tài khoản kích hoạt bằng thẻ tín dụng và trả 6,5 tỉ USD cho các nhà phát triển tính tới thời điểm tháng 10/2012, tăng từ 4 tỉ USD hồi tháng 1. Ngoài ra, khoảng 30% giao dịch thực hiện ngay trong App Store.

Dần có ứng dụng độc quyền

Hồi tháng 4 năm nay, nhà sản xuất ứng dụng Pocket Gem ra mắt Tap Dragon Park – game video độc quyền cho Android. Số tiền kiếm được tuy thấp hơn nếu ra mắt cho iOS của Apple nhưng TGĐ Ben Liu lưu ý đây vẫn gặt hái thành công, đặc biệt khi Google quảng bá ứng dụng trên Google Play.

Lượng thiết bị Android cao cấp bán ra ngày càng tăng – như Galaxy S3 chạm mốc 30 triệu máy trong 5 tháng – đặc biệt đáng mừng cho các nhà phát triển. Họ thường gặp rắc rối với quá nhiều phiên bản Android với nhiều kiểu phần cứng khác nhau. Ông Liu cho rằng nếu tập trung vào phân khúc cao cấp của Android, số tiền thu về so với iPhone sẽ cân bằng.

Theo Reuters