Tại cuộc họp kéo dài 4 ngày, khép lại năm 2019 của đảng Lao động Triều Tiên, ông Kim tuyên bố không thấy còn lí do gì để Bình Nhưỡng tiếp tục ngưng các vụ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng cáo buộc Washington "đang lợi dụng" các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân vì các lợi ích chính trị của riêng họ.
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un chủ trì và phát biểu tại hội nghị kéo dài 4 ngày của đảng Lao động Triều Tiên. Ảnh: KCNA |
Trong bản tin đăng tải ngày 1/1, hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên (KCNA) dẫn lời ông Kim nhấn mạnh, nước này sẽ "tích cực thúc đẩy dự án phát triển vũ khí chiến lược hơn nữa" và "thế giới sẽ chứng kiến một vũ khí chiến lược mới thuộc sở hữu của Triều Tiên trong tương lai gần". Lãnh đạo Bình Nhưỡng cũng nhấn mạnh, Triều Tiên sẽ "chuyển sang một hành động thực sự gây sốc để để đáp trả nỗi đau cũng như sự kìm hãm kinh tế mà người dân trong nước phải hứng chịu cho đến nay".
Giới quan sát nhận định, Triều Tiên có thể khôi phục các vụ thử tên lửa từ đầu tháng này. Song, hiện tại, cánh cửa cho cả đối thoại lẫn hành động khiêu khích vẫn để ngỏ, phụ thuộc vào phản ứng của Mỹ. Theo các chuyên gia, những phát biểu của ông Kim đã cho thấy rõ việc Bình Nhưỡng tăng cường sức mạnh hạt nhân tới mức nào sẽ được "điều chỉnh tương xứng với thái độ của Washington trong tương lai".
Yonhap dẫn lời giáo sư Yang Moo-jin thuộc Đại học Nghiên cứu Triều Tiên (Hàn Quốc) phỏng đoán, chính quyền ông Kim có thể thử một vũ khí cấp thấp trước cuối tháng tới và gia tăng áp lực với Washington. Shin Beom-chul, một chuyên gia cấp cao tại Viện nghiên cứu chính sách Asan cũng tin Bình Nhưỡng sẽ có hành động "chọc tức" mức độ vừa phải từ tháng này hoặc vào tháng 3, thời điểm Mỹ - Hàn thường xúc tiến một trong những cuộc tập trận chung thường niên lớn nhất giữa hai nước, vốn vẫn bị chính quyền ông Kim lên án là sự tập dượt xâm lược.
Ngay tại cuộc họp của đảng cầm quyền bế mạc vào ngày cuối cùng của năm 2019, nhà lãnh đạo Kim đã nặng lời chỉ trích Mỹ tiến hành các cuộc tập trận chung như vậy và vận chuyển "khí tài chiến tranh siêu hiện đại" đến Hàn Quốc dù Bình Nhưỡng đã tháo dỡ cơ sở thử nghiệm hạt nhân cũng như tự nguyện ngưng các hoạt động thử nghiệm hạt nhân và ICBM như động thái thiện chí nhằm xây đắp lòng tin với Washington.
Theo ông Kim, việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên sẽ không được bàn tới chừng nào Mỹ vẫn khăng khăng "chính sách thù địch". Trong thời gian đó, Triều Tiên "sẽ liên tục phát triển các vũ khí chiến lược cần thiết, tiên quyết cho an ninh của đất nước cho đến khi Washington rút lại chính sách thù địch".
Tuy nhiên, ông Kim tránh công kích trực tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump. Động thái được đánh giá là mềm mỏng hơn so với những lời lẽ đanh thép, cứng rắn của ông trong những tháng gần đây. Các chuyên gia coi điều này đồng nghĩa, lãnh đạo Bình Nhưỡng không muốn làm người đứng đầu Nhà Trắng nổi cơn lôi đình và do đó vẫn để mở cơ hội khôi phục đối thoại khi Mỹ giảm cấm vận cũng như hứa hẹn chấm dứt các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc.
"Ông Kim về cơ bản đang thúc ông Trump phải lựa chọn. Ông ấy vừa đá bóng sang sân của ông Trump", giáo sư Kim Yong-hyun thuộc Đại học Dongguk bình luận.
Một số chuyên gia cho rằng, ngay cả khi Triều Tiên có hành động khiêu khích, nước này chắc chắn cũng không vượt qua "lằn ranh đỏ" như phóng thử ICBM vì động thái tiềm ẩn nguy cơ kéo căng quan hệ với Nga và Trung Quốc. Giáo sư Lim Eul-chul thuộc Đại học Kyungnam giải thích, Bình Nhưỡng sẽ có hành động khiêu khích trong giới hạn chịu đựng của đồng minh Trung Quốc vì không muốn Bắc Kinh chống lại họ.
Hội nghị kéo dài nhiều ngày hiếm hoi của đảng Lao động Triều Tiên diễn ra đúng vào lúc leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trước hạn chót cuối năm Bình Nhưỡng đặt ra để Washington có một đề xuất mới, chấp nhận được cho tiến trình đàm phán giữa họ.
Các cuộc thương lượng giải trừ hạt nhân đã không tiến triển kể từ sau hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa ông Trump và ông Kim ở Hà Nội hồi thánh 2 nam ngoái. Hai nguyên thủ đã không ký kết bất kỳ thỏa thuận nào tại sự kiện do khác biệt quá lớn về phạm vi các biện pháp giải trừ hạt nhân của Bình Nhưỡng và việc gỡ bỏ các lệnh cấm vận của Washington.
Hai nước đã tổ chức các cuộc đàm phán cấp chuyên môn gần đây nhất ở Stockholm, Thụy Điển hồi tháng 10/2019. Song, đàm phán cũng đổ vỡ sau khi Bình Nhưỡng tố Washington không mang đến đề xuất mới.
Hồi tháng 12 vừa qua, Triều Tiên đã thực hiện hai vụ thử động cơ tên lửa, làm dấy lên những nghi ngại về việc nước này đang chuẩn bị thử nghiệm ICBM. Mỹ có vẻ đang cố gắng kiểm soát tình hình. Chỉ vài giờ sau vụ phóng vũ khí của Bình Nhưỡng, Tổng thống Trump lên tiếng bày tỏ hy vọng rằng ông Kim sẽ giữ cam kết giải trừ hạt nhân.
"Tôi nghĩ ông ấy (nhà lãnh đạo Triều Tiên) là người giữ lời. Chúng ta sẽ chờ xem sao", lãnh đạo Nhà Trắng tuyên bố trước các phóng viên ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của gia đình tại bang Florida.
Cũng như Tổng thống Trump, Ngoại trưởng Mike Pompeo không phản ứng gay gắt. Phát biểu trên kênh Fox News, quan chức này nhấn mạnh "cần cho Chủ tịch (Triều Tiên) Kim có thời gian lựa chọn giải pháp tốt đẹp nhất cho ông ấy và người dân Triều Tiên". Ông cũng bày tỏ hy vọng Bình Nhưỡng "sẽ chọn hoà bình thay vì chiến tranh".
Rõ ràng các bên đều đang tỏ ra thận trọng. Cả ông Kim và ông Trump dường như đều không muốn tỏ ra là mình yếu thế, phải nhượng bộ đối thủ trước, đồng thời cũng không muốn chặt đứt các con đường dẫn tới đàm phán. Hiện tại, khi nhà lãnh đạo Triều Tiên đã tìm được cách "đá bóng sang sân" của ông Trump, dư luận đang chờ xem bước đi tiếp theo của tổng thống Mỹ liệu có đủ để tháo gỡ thế bế tắc hiện tại hay không.
Tuấn Anh