Trưởng đoàn đàn phán Triều Tiên Ri Son-gwon (giữa) tại Làng đình chiến Panmunjom ngày 9/1/2017. Ảnh: Reuters |
Dẫn các nguồn tin từ Bình Nhưỡng, hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap đưa tin Triều Tiên đã thông báo cho các đại sứ nước ngoài có trụ sở tại Bình Nhưỡng về việc bổ nhiệm ông Ri Son-gwon làm Ngoại trưởng Triều Tiên. Thông báo bổ nhiệm chính thức sẽ được công bố trong tuần này.
Nếu thông tin được xác nhận, việc ông Ri Son-gwon thay thế ông Ri Yong-ho trở thành người đứng đầu Bộ Ngoại giao Triều Tiên có thể báo hiệu quốc gia Đông Bắc Á này sẽ tái định hình chính sách ngoại giao với Washington và Seoul, mặc dù sự thay đổi đáng kể đó khó xảy ra ngay lúc này.
Ông Ro Son-gwon, một cựu quan chức quân sự cấp cao, từng đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Ủy ban Thống nhất Hòa bình Triều Tiên (CPRC), có chức năng tương đương với Bộ Thống nhất Hàn Quốc.
Ông Ro Son-gwon là một quan chức cấp cao Triều Tiên đóng vai trò then chốt cho mối quan hệ với Hàn Quốc. Ông là người dẫn đầu phái đoàn Triều Tiên tham gia các cuộc họp cấp cao với Hàn Quốc gần đây, trong đó có cuộc họp vào tháng 8/2018 tạo tiền đề cho lần diễn ra hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Kim Jong-un vào tháng 9 cùng năm.
Quyết định bổ nhiệm ông Ro Son-gwon được đưa ra trong bối cảnh Hàn Quốc tái khẳng định các cam kết cải thiện mối quan hệ liên Triều, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên đang bị chững lại trong khi xuất hiện bất đồng giữa Seoul và Washington về hướng tiếp cận Bình Nhưỡng.
Trong bài phát biểu Năm mới 2020, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đề xuất hai miền liên Triều tích cực nỗ lực phối hợp để tạo điều kiện cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đến thăm Hàn Quốc theo như thỏa thuận.
Ông cũng tái khẳng định các cam kết của Chính phủ Hàn Quốc trong việc thúc đẩy nối lại hai dự án lớn liên Triều – khu tổ hợp công nghiệp Kaesong và tour du lịch Núi Kumgang - cũng như kết nối tuyến đường bộ và đường sắt.
Hàn Quốc cũng cho biết các chuyến du lịch của các cá nhân tới Triều Tiên không vi phạm lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đặt ra. Điều này có thể đưa Triều Tiên quay lại bàn đối thoại và giành được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế nhằm xóa bỏ một phần các biện pháp trừng phạt. Động thái này của Seoul đã khiến Washington không hài lòng và cho rằng Hàn Quốc nên tham khảo ý kiến của Mỹ về các kế hoạch liên quan đến Triều Tiên.
Đầu tháng 1, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố ông thấy không có lý do gì để tiếp tục tuân thủ cam kết ngưng các lần thử tên lửa tầm xa và hạt nhân. Ông cũng cảnh báo về loại “vũ khí chiến lược mới”, cáo buộc Mỹ nhiều lần khiến các cuộc đàm phán bị đình trệ vì lợi ích chính trị của riêng mình.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Triều Tiên dường như không khép lại hoàn toàn cánh cửa đàm phán với Mỹ. Ông cho biết mức độ phát triển “răn đe hạt nhân” của Triều Tiên sẽ phụ thuộc vào thái độ của Mỹ trong tương lai.
Theo baotintuc.vn