
Đây được xem là phương án hiệu quả bảo vệ những người điều khiển UAV của Ukraine khỏi đòn tấn công từ vũ khí Nga. Tạp chí Business Insider dẫn lời Dimko Zhluktenko, lính điều khiển UAV thuộc Lực lượng hệ thống không người lái của Ukraine cho biết, việc “tạo dựng một số vị trí giả và trông như thật” đã trở thành quy trình tác chiến tiêu chuẩn đối với quân đội nước này.

“Bạn cần để lại một vài dấu vết về sự xuất hiện của con người như rác hoặc cái gì đó”, ông Zhluktenko giải thích mục đích là tăng mức độ thu hút của các công sự giả trước UAV trinh sát của Nga.
Ông Zhluktenko nói thêm, khi công sự giả bị đối phương tấn công, đây sẽ là tín hiệu cảnh báo cho các binh sĩ Ukraine chạy khỏi vị trí thật càng nhanh càng tốt.
Né tránh "con mắt" của đối phương
Lính điều khiển UAV của Ukraine là mục tiêu hàng đầu của quân đội Nga. Vì lý do này, họ thường cố tránh để lộ vị trí trong các vụ tập kích của UAV đối phương cũng như cố gắng tránh việc bị UAV trinh sát phát hiện rồi dẫn đường cho vũ khí Nga tấn công. Tuy nhiên, họ vẫn phải bám sát tiền tuyến để tăng mức độ tác chiến hiệu quả.
Theo một lính điều khiển UAV giấu tên của Ukraine, khoảng cách an toàn còn tùy thuộc vào địa hình, nhưng thông thường họ chỉ cách tiền tuyến khoảng 1,4km.
Do mức độ giao tranh căng thẳng, nên lính điều khiển UAV thường phải hoạt động dưới hầm trú ẩn. Điều này được thể hiện qua chia sẻ của một cựu binh Mỹ chiến đấu ở Ukraine vào năm 2024. Theo người này, trong môi trường đô thị, hầu như mọi tòa nhà đều bị phá hủy nên sẽ không còn nơi ẩn náu. Trên tiền tuyến, mọi thứ cũng không thể di chuyển dưới sự tấn công liên tiếp từ “pháo binh, UAV, súng cối và nhiều loại vũ khí khác”.

Ông Zhluktenko, người điều khiển cả UAV tấn công và trinh sát, tiết lộ những người như ông thường phải ẩn mình trong hầm trú ẩn bao phủ bằng lá và cành cây. Họ mang máy tính và các thiết bị cần thiết xuống hầm để điều khiển UAV từ xa. Sau đó, ngụy trang hệ thống ăng-ten và dàn phóng UAV “giống cái cây nhất” nhằm tránh bị Nga phát hiện.
Trong quá trình xung đột, cả quân đội Nga và Ukraine đều nhanh chóng phát triển các phương thức đánh lừa và đặt bẫy đối phương như sử dụng vũ khí làm từ bìa các tông, xe tăng bơm hơi hay chiến hào giả cài đầy bom. Những chiến thuật này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ binh sĩ và thiết bị quân sự khỏi đòn tập kích từ đối phương.
Dù “thường xuyên ẩn nấp dưới hầm”, nhưng đôi khi lính điều khiển UAV của Ukraine phải mạo hiểm đi ra ngoài để chuẩn bị cho quá trình cất cánh của thiết bị. Theo một binh sĩ Ukraine, chuyện này vô cùng nguy hiểm, vì họ có thể bị UAV Nga phát hiện ngay lập tức. Ngay khi xác định được nơi xuất hiện của người điều khiển hoặc vị trí hoạt động của UAV, đây sẽ là “mục tiêu số 1” của các lực lượng Moscow. Người này nói thêm, Nga sẵn sàng dung mọi loại vũ khí để tấn công, kể cả bom lượn.
Trong hơn 3 năm qua, UAV đã trở thành vũ khí được Nga và Ukraine sử dụng nhiều nhất so với bất kỳ cuộc xung đột nào khác. Bầu trời tràn ngập UAV đến nỗi binh sĩ hai bên khó có thể phân biệt đâu là vũ khí của mình, đâu là của đối phương. Hai bên cũng không ngừng chạy đua sản xuất thêm nhiều loại UAV cũng như triển khai những biện pháp đối phó để chiếm ưu thế trước đối phương.

