Sáng tạo trong huy động sức dân

Hơn 10 năm qua, người dân đã đồng lòng hiến đất, ngày công lao động để triển khai xây dựng NTM, nhờ đó đã tạo ra sức sống mới ở khắp các miền quê.

Vùng ven biển Nam Trung Bộ và Tây Nguyên gồm 13 tỉnh, thành phố với số dân khoảng 15 triệu người. Ðây là vùng có địa hình bị chia cắt, khí hậu phức tạp, thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão lũ, hạn hán và có xuất phát điểm thấp, nên việc xây dựng nông thôn mới (NTM) gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền và sự chung tay của người dân, đến nay, tại khu vực này đã có 604 xã, chín đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM và hơn 60 khu dân cư NTM kiểu mẫu.

Huyện miền núi Bắc Trà My hồi tỉnh mới phát động xây dựng NTM, huyện Bắc Trà My còn khó khăn, đời sống người dân miền núi thiếu thốn, lại thêm tình hình động đất kích thích xảy ra liên tục. Muốn làm đường giao thông thôn phải có mặt bằng, phải vận động người dân dời hàng rào, nhường đất mới thi công được.

Những điểm sáng NTM ở ven biển Nam Trung Bộ
Những điểm sáng NTM ở ven biển Nam Trung Bộ

Bí thư Chi bộ thôn 4, xã Trà Tân Nguyễn Văn Tuấn kể,  5 năm trước, khi thôn 4 được hỗ trợ nguồn lực để xây dựng thiết chế văn hóa thôn. Trong lúc cấp ủy đang loay hoay tìm đất để xây dựng nhà văn hóa thôn thì rất may, gia đình ông Ðinh Văn Xuôi tự nguyện góp mảnh vườn gần 500 m2 để xây dựng nhà văn hóa thôn. Cảm kích tấm lòng của ông Xuôi, cấp ủy đã vận động bà con đóng góp 6,5 triệu đồng để hỗ trợ gia đình ông Xuôi. Người dân trong thôn còn góp tiền, ngày công để xây dựng đường giao thông nông thôn và sân bóng chuyền.

Nhiều hộ dân tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất, hàng chục ngày công để xây dựng đường giao thông nông thôn và nhà văn hóa. Ðến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn xã cơ bản được xây dựng kiên cố. Nhờ đó, xã Trà Tân được công nhận xã NTM từ năm 2017.

Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư hơn 28.130 tỷ đồng thực hiện chương trình NTM, trong đó vốn nhân dân đóng góp quy ra giá trị hơn 1.531 tỷ đồng. Tính riêng trong năm 2018, nhân dân toàn tỉnh đã đóng góp gần 70 nghìn ngày công, hiến hơn 250 nghìn mét vuông đất để làm đường giao thông nông thôn và nhà văn hóa, với tổng giá trị 40 tỷ đồng. Còn trong năm 2019, người dân trong tỉnh đóng góp đất, ngày công cho việc xây dựng các công trình dân sinh, với giá trị 75 tỷ đồng.

Không chỉ ở Quảng Nam, nhiều tỉnh khác trong khu vực như: Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Ðồng… việc huy động sức dân cho xây dựng kết cấu hạ tầng được các địa phương quan tâm. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được chú trọng đầu tư để xây dựng mới, nâng cấp, góp phần thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn, bước đầu cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống của người dân.

Bộ mặt nông thôn thay đổi từng ngày

Cùng với hình mẫu của buôn làng trong phát triển kinh tế, năm 2010, khi xã Ðạ Sar, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng bắt tay xây dựng NTM, Ha Têm đã vận động gia đình hiến 720 m2 đất để làm hội trường thôn và nhà sinh hoạt cộng đồng. Noi gương Ha Têm, nhiều hộ dân tích cực đóng góp công sức, vật chất để cùng xây dựng NTM.

Trong gần 10 năm qua, có khoảng 11.000 km đường giao thông nông thôn ở vùng ven biển Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã được xây dựng mới bằng bê-tông hoặc nhựa hóa; 100% số xã có điện lưới quốc gia và hơn 99% số thôn, bản có điện. Hệ thống trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… được đầu tư nâng cấp; bước đầu đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân trong vùng. Trong đó, tỉnh Ðắk Lắk và Quảng Ngãi là những địa phương dẫn đầu cả nước về mức độ tăng tỷ lệ xã có trạm y tế kiên cố.

Hồng Khanh