"Đêm di sản Việt Nam"

"Đêm di sản Việt Nam" do Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO phối hợp Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp tổ chức, là dịp để quảng bá, giới thiệu tinh hoa văn hóa của Việt Nam như: hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và nghệ thuật múa rối nước độc đáo có từ thế kỷ 11, tới hơn 100 Đại sứ và đại diện phái đoàn của các nước thành viên UNESCO.

W-thomau-1.png
Hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (ảnh minh hoạ).

Phát biểu khai mạc "Đêm di sản Việt Nam", Đại sứ Lê Thị Hồng Vân cho biết, đối với Việt Nam, văn hóa được coi là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, nguồn lực và động lực để phát triển đất nước. Phát huy các giá trị văn hóa và sức mạnh của con người Việt Nam là chìa khóa để thực hiện khát vọng xây dựng một đất nước thịnh vượng.

Có mặt tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng chia sẻ: Việt Nam coi văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Việt Nam đã tiến hành kiểm kê, xếp hạng hơn 40 nghìn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh ở các địa phương.

Việt Nam tự hào là quốc gia có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO ghi danh. Với hơn 35 di sản thuộc các loại hình do UNESCO công nhận từ di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa phi vật thể, đến tư liệu thế giới và các thành phố sáng tạo tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, Việt Nam tự hào với nền văn hóa đa dạng, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Các di sản có giá trị được đặt dưới sự bảo hộ của Luật và các công ước của UNESCO

Các di sản văn hoá có giá trị lịch sử và văn hóa đã được đặt dưới sự bảo hộ của Luật di sản văn hoá và các công ước của UNESCO mà Việt Nam đã tham gia.

Trong số gần 40 ngàn di tích đã được kiểm kê theo quy định của Luật di sản văn hoá có 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố; 3.601 di tích quốc gia, trong đó có 123 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di tích của Việt Nam được UNESCO ghi danh là di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới. Trong số gần 70.000 di sản văn hoá phi vật thể được kiểm kê có 433 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, 14 di sản được UNESCO ghi danh (13 di sản văn hoá vật thể đại diện của nhân loại và 1 di sản văn hoá phi vật thể trong danh sách cần được bảo vệ khẩn cấp).

Trong số gần 4 triệu hiện vật đang lưu giữ trong các bảo tàng công lập, bảo tàng ngoài công lập và các bộ sưu tập tư nhân có 238 hiện vật và nhóm hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Từ năm 2015 đến 2022, thực hiện Nghị định số 62/2014/NĐ-CP, đã có 131 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân và 1.507 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Đề cao vai trò của Nhân dân là chủ thể của di sản

Trong công cuộc chấn hưng văn hóa, Việt Nam luôn đề cao vai trò của Nhân dân là chủ thể của di sản. Cộng đồng chính là người đã sáng tạo ra di sản, nắm giữ di sản, thực hành, trao truyền di sản, và sống được bằng di sản. Di sản không chỉ có giá trị tinh thần mà trở thành của cải vật chất, gắn liền với sinh kế của cộng đồng dân cư. Việc ghi danh các di sản không chỉ khiến cộng đồng nhận diện, tự hào về các giá trị di sản nắm giữ, mà còn góp phần cải thiện, nâng cao đời sống Nhân dân.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Việt Nam tham gia Công ước Di sản Thế giới từ năm 1987. Trải qua hơn 35 năm thực hiện công ước, Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới. Năm 2022, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Công ước Di sản Thế giới tại Tràng An.

Võ Thu và nhóm PV, BTV