Thông tin trên được bà Việt Anh đưa ra tại  Diễn đàn thanh toán điện tử VEPF 2016 tổ chức vào cuối tháng 11/2016 vừa qua. Theo đó, dù hạ tầng thanh toán điện tử đã phát triển mạnh trong 5 năm trở lại đây, nếu trước đây thanh toán là cản trở lớn với thanh toán điện tử Việt Nam thì 1 - 2 năm gần đây yếu tố thanh toán đã được cải thiện, hạ tầng thanh toán phát triển nhanh, mạnh với 16 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán gia nhập thị trường. "Vấn đề còn lại là nằm ở các doanh nghiệp cung cấp hàng hoá dịch vụ và lòng tin của người tiêu dùng", bà Việt Anh nói. 

Cũng theo bà Việt Anh, hiện có khoảng 7% giao dịch trên thị trường được thanh toán trực tuyến trong thương mại điện tử. Để gia tăng con số này, bên cạnh các chính sách ưu đãi với người tiêu dùng khi chấp nhận thanh toán điện tử thì yếu tố an toàn trong giao dịch thương mại điện tử sẽ quyết định niêm tin của người dùng khi sử dụng dịch vụ.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là chủ trương lớn của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí trong lĩnh vực thanh toán. Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan đã ký nhiều thoả thuận hợp tác nhằm đẩy mạnh triển khai tăng cường thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, chương trình thúc đẩy thanh toán điện tử trong bán lẻ, triển khai dịch vụ thuế điện tử, thanh toán điện tử trong dịch vụ công trực tuyến... hướng tới mục tiêu mọi người dân có thể tiếp cận dịch vụ ngân hàng. 

Tuy nhiên, ông Kim Anh cũng khẳng định, việc đi theo trào lưu công nghệ mới cũng kéo theo nhiều rủi ro tiềm ẩn với cả ngân hàng, khách hàng trong sử dụng dịch vụ... do đó phải tăng cường an ninh an toàn trong thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng, thanh toán điện tử nói chung.

Mục tiêu phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020

Về quy mô thị trường thương mại điện tử: 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng trực tuyến đạt trung bình 350 USD/người/năm; doanh số TMĐT doanh nghiệp-người tiêu dùng (B2C) tăng 20%/năm, đạt 10 tỷ USD, chiếm 5% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước; TMĐT xuyên biên giới phát triển nhanh, giao dịch TMĐT doanh nghiệp-doanh nghiệp (B2B) chiếm 30% kim ngạch xuất nhập khẩu vào năm 2020.

Về ứng dụng TMĐT trong doanh nghiệp: 50% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử; 80% doanh nghiệp thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các ứng dụng TMĐT; 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm có thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS); 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng.