Ứng dụng giao nhận thức ăn trực tuyến trong “cơn bão” an toàn thực phẩm
Theo thông tin từ WHO, thực phẩm không an toàn có thể gây ra hơn 200 bệnh, từ tiêu chảy đến ung thư. Ước tính, có khoảng 420.000 người chết mỗi năm do ngộ độc thực phẩm. Mặt khác, theo điều tra của Hiệp hội Ung thư thế giới, có 35% ca mắc bệnh ung thư có nguồn gốc từ thực phẩm không an toàn.
Tại Việt Nam, thống kê của Cục ATTP (Bộ Y tế) cho thấy, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng gần 170 vụ với hơn 5.000 người mắc và hơn 27 người chết do ngộ độc thực phẩm. Riêng trong năm 2018, tính đến tháng 10, cả nước đã xảy ra hơn 2.010 vụ ngộ độc thực phẩm.
Chưa bao giờ, thực phẩm bẩn, ATTP lại trở thành cụm từ gây “ám ảnh” và khiến người tiêu dùng e dè, bất an như hiện nay. Hàng loạt những vụ ngộ độc thực phẩm được phát hiện, những ca tuồn thực phẩm bẩn tiêu thụ trên thị trường được phanh phui, thực phẩm chứa chất cấm, chất độc được công bố… đã đẩy thực trạng mất ATTP lên mức “báo động đỏ”.
Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng, thời gian qua, nhà nước và các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao ATTP, cũng như tạo ra hành lang pháp lý để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Trong đó, việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chính sách, pháp luật về ATTP luôn được chú trọng tăng cường với chủ trương “mưa dầm thấm lâu". Dù vậy, đại diện cơ quan quản lý cũng thừa nhận kết quả thu được vẫn còn “hạn chế".
Có thể nói, giải quyết một vấn nạn dai dẳng như ATTP nếu chỉ cậy vào trách nghiệm hay vai trò của riêng nhà nước sẽ rất khó. Do đó, rất cần sự hợp sức của các bên liên quan. Các bên liên quan ở đây thường được xác định bao gồm các doanh nghiệp sản xuất (Cả nhà hàng, chuỗi cung ứng thức ăn, người bán thực phẩm), cơ quan truyền thông, tổ chức xã hội và người dân.
Tuy vậy, dường như chúng ta vẫn đang bỏ sót một “nhân tố mới” trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn. Đó là các nền tảng giao thức ăn trực tuyến - sản phẩm của thời đại công nghệ 4.0, phổ biến nhất hiện nay là GrabFood, Now, GoFood. Câu hỏi đặt ra là, với thế mạnh công nghệ, liệu các ứng dụng này sẽ làm được gì nếu tham gia vào cuộc chiến đẩy lùi nạn mất ATTP đang tràn lan, khó kiểm soát?
Giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm: Công nghệ làm được gì?
Có thể nói, một trong những yếu tố khiến nỗ lực cải thiện ATTP của nhà nước chưa đạt kết quả như mong đợi là khó khăn trong việc tiếp cận các quán ăn, chuỗi cung ứng thức ăn vừa và nhỏ - Những đối tượng rất cần được hỗ trợ kiến thức về ATTP. Trong khi đó, các ứng dụng giao thức ăn trực tuyến có thể dễ dàng làm được điều này dựa vào “vũ khí công nghệ” sẵn có cũng như nền tảng dữ liệu khổng lồ.
Việc tương tác hàng ngày với hàng ngàn nhà hàng, quán ăn lớn nhỏ cho phép các ứng dụng có thể truyền tải thông điệp ATTP thường xuyên, liên tục, từ đó góp phần nâng cao nhận thức về ATTP cho các đối tượng này. Cách tiếp cận mới mẻ, triệt để này của các ứng dụng giao thức ăn trực tuyến sẽ giúp các kiến thức về ATTP được phổ biến không chỉ rộng mà còn sâu, quan trọng là đúng đối tượng dù ở phân khúc “ngách” nhất, khó tiếp cận nhất trong các chương trình tuyên truyền, quản lý của nhà nước.
Ngoài ra, những dịch vụ giao nhận thức ăn trực tuyến điển hình như GrabFood, phát triển từ nền tảng “siêu ứng dụng” Grab còn thừa hưởng lợi thế từ hệ sinh thái đang mở rộng với lượng khách hàng khổng lồ từ các dịch vụ khác như đặt xe, giao hàng, thanh toán trực tuyến, nên có thể tiếp cận người dùng sâu rộng hơn.
Theo thống kê, cứ 4 người dân Việt Nam thì có 1 người dùng dịch vụ của Grab. Nếu tích cực tuyên truyền về ATTP sẽ tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của đại bộ phận người tiêu dùng. Mặt khác, đòi hỏi từ người tiêu dùng cũng sẽ giúp các nhà hàng, quán ăn tự xem xét lại vấn đề ATTP của chính mình.
Bên cạnh đó, các công ty phát triển nền tảng giao thức ăn trực tuyến cũng có thể tận dụng thế mạnh vốn có của mình bằng việc ứng dụng công nghệ mới để hỗ trợ và giúp nhà nước giải quyết các vấn đề ATTP. Thực tế, công nghệ cũng là yếu tố chưa được đầu tư đúng mức để các cơ quan chức năng có thể xử lý triệt để các vi phạm về ATTP.
Với thế mạnh công nghệ sẵn có, các ứng dụng giao thức ăn trực tuyến hoàn toàn có thể hỗ trợ nhà nước giải quyết vấn nạn mất ATTP. Tuy nhiên, đến thời điểm này, ngoại trừ Grab đã sớm vào cuộc thì các ứng dụng giao thức ăn trực tuyến khác vẫn đang khá “im ắng”. Động thái mới nhất của ông lớn trong nền tảng kinh tế chia sẻ này là thông qua GrabFood, phối hợp với Cục ATTP thực hiện chuỗi hoạt động kéo dài trong 3 năm, bắt đầu từ năm 2019 nhằm nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh ATTP tới đối tác nhà hàng, tài xế và người tiêu dùng.
Chắc chắn, sự tiên phong của Grab sẽ khiến những cái tên như Now, Go-Food “giật mình”. Thiết nghĩ, đã đến lúc, các ứng dụng giao thức ăn trực tuyến nên đóng góp chút công sức vào việc cải thiện tình trạng mất ATTP, nâng cao chất lượng sống của người tiêu dùng chứ không đơn thuần đáp ứng nhu cầu ăn uống nhanh - gọn - tiện.
Mặt khác, theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường GCOMM vừa công bố ngày 4/1/2019, 5 yếu tố quan trọng để người tiêu dùng lựa chọn dịch vụ giao đồ ăn bao gồm: Tốc độ giao hàng, đóng gói sạch sẽ, chất lượng đảm bảo, sản phẩm chính xác, giá cả phải chăng. Có thể thấy, trong 5 yếu tố này, có hẳn 2 yếu tố liên quan đến ATTP.
Do đó, góp phần cải thiện vấn đề ATTP cũng tạo lợi thế cạnh tranh cho chính các ứng dụng giao nhận thức ăn. Có chăng, sắp tới, thị trường giao nhận thức ăn trực tuyến lại chứng kiến “cuộc chiến chung sức” mới giữa các ứng dụng xoay quanh “cơn sốt” ATTP?