Theo đại diện Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), lượng tấn công của tội phạm mạng trong năm 2016 tăng rất nhiều so với 2015. Trong đó, 2 "sự cố" điển hình có thể kể đến là tấn công vào hệ thống của VietnamAirlines và Tổng công ty cảng hàng không (tấn công có chủ đích) hay cuộc tấn công vào hệ thống ngân hàng để lừa đảo và chiếm đoạt tài sản.
Về tổng thể, trong năm VNCERT ghi nhận hơn 130.000 lượt tấn công trên cả 3 loại hình: lừa đảo (tấn công phishing) hơn 10.000 lượt; 46.000 lượt tấn công mã độc; và hơn 77.000 lượt tấn công thay đổi giao diện. Như vậy. so với năm ngoái, số lượng sự cố xảy ra năm nay tiếp tục tăng mạnh, gấp tới hơn 4,2 lần (tổng số sự cố tấn công mạng năm 2015 là 31.585 sự cố).
Ngoài các cuộc tấn công có chủ đích nhằm vào các hệ thống trọng yếu thì trong năm 2016, các cuộc tấn công mã độc lừa đảo cũng tăng cao. Trung tâm VNCERT cũng cho biết, trong kỳ ghi nhận sự lây lan rất nhanh của mã độc mã hóa dữ liệu để tống tiền Ransomware. Mã độc này luôn có các biến thể mới, lây lan qua nhiều hình thức, đem lại những nguồn lợi khổng lồ cho tin tặc mà người bị hại gần như không có lựa chọn nào khác ngoài trả tiền chuộc nếu muốn khôi phục dữ liệu. VNCERT đã liên tiếp có 3 công văn cảnh báo và hướng dẫn biện pháp phòng ngừa về mã độc này, đồng thời phối hợp tổ chức truyền thông rộng rãi về mã độc mã hóa dữ liệu để tống tiền Ransomware qua các cơ quan truyền thông, hội thảo khoa học.
Còn theo thống kê từ Kaspersky, số cuộc tấn công từ ransomware nhắm vào doanh nghiệp đã tăng lên gấp 3 lần trong năm 2016. Đáng lưu ý, mã độc tống tiền ransomware đã được tạo ra như một công cụ kinh doanh. Những kẻ tạo ra ransomware sẽ bán chúng cho những hacker thiếu kỹ năng và nguồn lực. Sau khi thỏa thuận, những kẻ tạo mã độc sẽ đưa ra những sản phẩm “theo nhu cầu”, bán những phiên bản đã được đặc biệt điều chỉnh cho khách hàng để họ phát tán thông qua spam và trên các trang web, sau đó sẽ trả tiền hoa hồng cho chúng – đây là nguồn thu chính của những kẻ tạo ra mã độc.