an-toan-thong-tin-1.jpg
Ảnh minh họa

Ban Tuyên giáo Trung ương cùng Bộ TT&TT và Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Việt Nam (Vinasa) vừa tổ chức hội thảo "CNTT và tương lai phát triển đất nước" nhằm góp ý xây dựng nghị quyết mới của Đảng về CNTT-TT thay thế cho Chỉ thị 58 ban hành vào năm 2000. Phát biểu tại hội thảo này, ông Vũ Quốc Thành, Tổng Thư ký VNISA) cho rằng Nghị quyết mới của Đảng về CNTT-TT nếu được ban hành thì cần đưa vấn đề ATTT ở một vị trí xứng đáng.

Chỉ thị 58CT-TW ban hành năm 2000 được coi là văn kiện lớn đầu tiên của Bộ Chính trị về lĩnh vực CNTT tại Việt Nam, đã đặt ra những quan điểm, những nguyên tắc hết sức quan trọng để CNTT Việt Nam phát triển mạnh mẽ và có được vị thế nhất định trên bản đồ CNTT thế giới. Chỉ thị 58 chưa có dòng nào đề cập tới ATTT bởi thời điểm ra đời văn kiện quan trọng này, ngay cả trên thế giới cũng chưa quan tâm nhiều tới vấn đề ATTT và Việt Nam cũng chỉ mới ở chặng đầu của việc ứng dụng CNTT, Internet.

Nhưng hiện nay, ATTT đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của tất cả mọi quốc gia và không gian mạng đang trở thành “chiến trường” trọng yếu. Rất nhiều nước, điển hình như Trung Quốc và Nga đang coi chiến tranh không gian mạng như một miền lợi ích chủ chốt.

Trong xu thế hội nhập và phát triển của kỷ nguyên số hóa, đặc biệt là trong bối cảnh đang “tăng tốc” để trở thành nước mạnh về CNTT-TT và đẩy nhanh tiến trình tiến tới Chính phủ điện tử, Việt Nam không thể “đứng ngoài cuộc”, bởi vậy cũng cần phải có sự quan tâm đúng mức tới ATTT.

Liên quan đến kế hoạch ra đời  một Nghị quyết mới của Đảng về CNTT-TT thay cho Chỉ thị 58, ông Thành kiến nghị Nghị quyết mới của Đảng về CNTT cần nghiên cứu ATTT như một vấn đề riêng biệt bởi ATTT khác các bộ phận khác trong lĩnh vực CNTT - TT. Trong các tiêu chuẩn quốc tế, ATTT được đặt lên tầm quản lý CNTT, nghĩa là một phần “nằm trong” CNTT-TT và một phần lại “nằm ngoài” để giám sát CNTT.

Ngoài ra, lãnh đạo VNISA cho rằng phải đặt vấn đề đúng đắn về ATTT vì trên thực tế đã có nhiều trường hợp CNTT-TT không phát triển được vì nhận thức của lãnh đạo sai, cho rằng CNTT-TT “đồng hành” với nguy cơ dễ bị rò rỉ dữ liệu hoặc hacker…, dẫn đến sợ ứng dụng CNTT. Cần thay đổi nhận thức đó.

“Nếu phát triển CNTT-TT trở thành ý chí của quốc gia (thể hiện ở việc Đảng ban hành riêng một Nghị quyết mới về CNTT-TT) thì ATTT cũng cần phải được quan tâm đúng mức. Nếu phát triển CNTT-TT mà không quan tâm tới ATTT thì sẽ hứng chịu hậu quả khôn lường. Những thế lực thù địch đều mong muốn Việt Nam phát triển mạnh CNTT-TT nhưng không để ý tới ATTT, khi đó, các thế lực thù địch sẽ dễ bề lợi dụng để phá hoại”, ông Thành lưu ý thêm.